.

Vì sao cách tính GDP địa phương không giống ai?

.

Cách tính tổng sản phẩm nội địa ở địa phương của các tỉnh hiện nay là không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc tăng GDP của thành phố. Trong ảnh: Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất của Công ty Foster Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc tăng GDP của thành phố. Trong ảnh: Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất của Công ty Foster Đà Nẵng.

Cách tính GRDP hiện nay không chính xác

Trong kinh tế, tổng sản phẩm nội địa (tên tiếng Anh là Gross Domestic Product - GDP) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ (một quốc gia - QG, hay một vùng lãnh thổ thuộc quốc gia đó (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - gọi tắt là cấp tỉnh) trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Trong phạm vi quốc gia, nó còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội (viết tắt là GDP).

Trong phạm vi một vùng lãnh thổ thuộc quốc gia (cấp tỉnh) trực thuộc Trung ương thì tổng sản phẩm nội địa của cấp tỉnh được gọi và viết theo tiếng Anh là Gross Regional Domestic Product (GRDP). GDP và GRDP là những chỉ số cơ bản, rất quan trọng để đánh giá sự phát triển kinh tế của QG, tỉnh nào đó. Đồng thời, nó là cơ sở để xây dựng, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế của một QG, một tỉnh trong một thời gian (kế hoạch 5 năm, 10 năm…). Vì vậy, việc tính GDP một cách chính xác có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, do nhiều hạn chế nên cách tính GRDP của các tỉnh ở nước ta còn nhiều bất cập. Hậu quả là, chúng ta luôn không có con số chính xác về GDP quốc gia và GRDP của tỉnh; vì thế đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoạch định các chính sách, xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 7-8 vừa qua tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: Cách tính GRDP của các tỉnh hiện nay là không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai. Kết quả trên đã dẫn tới một nghịch lý là tất cả các tỉnh mà Thủ tướng đã làm việc trong 7 tháng của năm 2014 đều báo cáo GRDP của địa phương tăng từ 9 đến 14%, trong khi cả nước chỉ tăng có 5,8%.

Phải tính GDP và GRDP theo thông lệ quốc tế

Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết: Hầu hết cách tính GRDP của các tỉnh hiện nay đều cho kết quả cao hơn thực tế, dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa số liệu tổng cộng GRDP của tỉnh và của GDP quốc gia. Nguyên nhân là do phạm vi, nội dung và phương pháp tính giữa các tỉnh không giống nhau.

Thêm vào đó là do nguồn thông tin đầu vào chưa chính xác, dẫn đến việc tính thiếu (thường không nhiều), hoặc tính trùng (khá phổ biến). Chẳng hạn: Sản phẩm được làm từ địa phương A, xuất khẩu ở địa phương B thường bị tính chồng chéo (một sản phẩm được tính nhiều lần), tức là cả 2 địa phương đều tính vào GRDP của mình.

Hiện có 3 cách tính GDP và GRDP như sau: Một là, phương pháp chi tiêu: Theo phương pháp này thì GDP sẽ được tính bằng cách thu thập các dữ liệu về chi tiêu cho tiêu dùng của Chính phủ, của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và của mọi thành viên trong xã hội (cá nhân), với lý luận là: Giá trị tổng sản lượng hàng hóa dịch vụ của nền kinh tế phải bằng tổng chi tiêu để mua lượng hàng hóa và dịch vụ đó, nên tổng chi tiêu bằng GDP.

Hai là, phương pháp thu nhập: Theo phương pháp này thì GDP được tính dựa vào chi phí các yếu tố đầu vào của sản xuất mà các hãng kinh doanh phải thanh toán (tiền trả lãi vốn vay, tiền thuê nhà xưởng, tài sản, tiền thanh toán tiền công, tiền lương, lợi nhuận thu được khi tham gia kinh doanh, thu để bù đắp giá trị máy móc thiết bị, tài sản cố định đã hao mòn trong quá trình sản xuất).

Ba là, phương pháp sản xuất (phương pháp giá trị gia tăng): Theo phương pháp này thì GDP được tập hợp tất cả các giá trị tăng thêm của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thường là một năm. Giá trị gia tăng là khoản chênh lệch giữa giá trị sản lượng đầu ra và đầu vào của sản xuất trong quá trình sản xuất ra sản phẩm đó.

Lãnh đạo Chi cục Thống kê Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, cách thứ 3 (phương pháp sản xuất) đang được dùng để tính GDP của cả nước. Cách tính này phù hợp với cách tính của nhiều nước trên thế giới và được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, cách tính GRDP cấp tỉnh vẫn chưa sát, thiếu chính xác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành mà còn làm giảm niềm tin của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê nói chung, số liệu GDP và GRDP nói riêng.

Do tầm quan trọng của chỉ số GDP trong toàn quốc và cách tính GRDP của tỉnh đến việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cần phải thống nhất một đầu mối sao cho số liệu do Tổng cục Thống kê công bố phải chắc chắn là chính xác, khoa học, công khai, minh bạch, khách quan. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị mới đây và sự nỗ lực của ngành Thống kê, hy vọng từ năm 2015, những chỉ số GDP của cả nước và chỉ số GRDP của các tỉnh sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội một cách khoa học và thực tế hơn.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.