Kinh tế

Chủ động ngăn sốt hàng, tăng giá dịp Tết

07:43, 15/01/2015 (GMT+7)

Tết Nguyên đán 2015 đang đến gần, các doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh đang tập trung dự trữ hàng hóa. Cùng với sự hỗ trợ từ phía các sở, ngành và UBND thành phố, công tác bình ổn hàng hóa được kỳ vọng mang lại hiệu quả, nhằm tạo ra một thị trường ổn định, lành mạnh.

Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp bán lẻ góp phần ổn định thị trường .
Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp bán lẻ góp phần ổn định thị trường .

Hàng hóa dồi dào

Theo Sở Công thương thành phố, đến nay đã có 11 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đăng ký tham gia bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Dựa trên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa năm trước, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng có khả năng “sốt” như lương thực, thực phẩm.

Ước tính tổng nguồn hàng có giá trị dự trữ trên 310 tỷ đồng, bảo đảm thị trường tiêu dùng Đà Nẵng không thiếu hụt trong những ngày giáp Tết. Đến nay, một số doanh nghiệp bán sỉ và lẻ đã sẵn sàng cung ứng nguồn hàng bán ra với giá trị lớn như: Siêu thị Big C khoảng 15 tỷ đồng, Siêu thị Co.opmart gần 30 tỷ đồng, Chi nhánh Vissan khoảng trên 20 tỷ đồng, Siêu thị Metro ước 30 tỷ đồng, Siêu thị Lotte Mart hơn 19 tỷ đồng, Siêu thị Intimex gần 16 tỷ đồng, Công ty CP Lương thực Đà Nẵng 450 tấn gạo các loại với trị giá hơn 5 tỷ đồng, Công ty TNHH Đắc Vinh 100 tấn thịt heo, Công ty TNHH Đà Nẵng Mễ Cốc 3,1 tỷ đồng…

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, các cửa hàng, đại lý kinh doanh hàng hóa thực phẩm trên địa bàn đã bắt đầu tăng lượng hàng nhập để bán ra. Số lượng khảo sát ở các cửa hàng tăng khoảng 20-30% so với tháng trước.

Chị Huỳnh Thị Liên Hương, chủ cửa hàng bia rượu, bánh kẹo trên đường Nguyễn Lương Bằng nhận định: Để tránh tình trạng gần Tết giá cả thường “nhảy” hằng ngày, từ đầu tháng 12, cửa hàng của chị đã nhập về hàng trăm thùng bia và nước ngọt các loại. Riêng bánh kẹo năm nay không thiếu hàng, bên cạnh những sản phẩm do nhà sản xuất trong nước cung ứng, các nhà phân phối còn chào hàng từ rất sớm nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Úc, Mỹ...

Trong khi đó, bước vào mùa làm ăn, tiểu thương các chợ tăng cường số lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành về phục vụ dịp cuối năm. Trưng bày nhiều và bán chạy nhất vẫn là các loại hải sản khô, bò khô… Chị Lâm Thị Mỹ Ý (quầy đồ khô chợ Hàn) cho hay, hàng đặc sản Đà Nẵng tháng này bán ra hơn hẳn so với nửa tháng trước nhờ sức mua của khách du lịch, khách nội địa đặt hàng làm quà biếu.

Dự đoán từ nay đến giáp Tết Nguyên đán vẫn còn tăng nữa, tuy nhiên tiểu thương không nhập ồ ạt một lúc mà rải rác thành nhiều đợt. Một phần để có hàng mới, phần khác nhằm tránh tồn hàng với giá cao trong một thời điểm sẽ bị lỗ.

Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, từ vài tuần nay, số lượng hàng nông sản tăng lên thấy rõ; đặc biệt là rau, củ, quả từ phía Bắc vào tăng vọt như bắp cải, cà chua, su hào, khoai tây; trong khi hàng phía Nam chủ yếu là trái cây miền Tây như cam, ổi, bưởi...

Như vậy, ngoài hệ thống kinh doanh hiện đại, với 5.400 tiểu thương của các chợ trên địa bàn sẽ cung ứng nguồn hàng với tổng giá trị khoảng 150 tỷ đồng, người dân yên tâm với thị trường Tết ổn định.

Chủ động để không tăng giá đột biến

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Siêu thị Big C bày tỏ: Trong bối cảnh giá cả biến động mùa mua sắm cao điểm và có khuynh hướng tăng nhiều so với các thời điểm khác, siêu thị chúng tôi triển khai chương trình “Khóa giá”. Đây là một quyết định chiến lược thể hiện trách nhiệm của mình trong việc cam kết phục vụ vì lợi ích và bảo vệ quyền lợi mua sắm của người tiêu dùng.

Cụ thể, từ ngày 30-12-2014 đến hết ngày 20-2-2015, hệ thống Big C tiến hành niêm yết giá không đổi cho tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh (ngoại trừ các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa) và tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng; chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa tại siêu thị.

Giá không đổi này sẽ được giữ cố định như đã niêm yết ngay cả khi giá tham khảo của các sản phẩm này tại các siêu thị bán lẻ hiện đại khác biến động tăng. Ngoài ra, “khóa giá” còn góp phần bình ổn thị trường thông qua việc kìm giữ giá cả cố định, tăng khả năng mua sắm cho người tiêu dùng.

Ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng nói: “Hàng hóa hiện nay tương đối dồi dào, riêng chợ Đầu mối Hòa Cường phân bổ cho các chợ khoảng 150 tấn/ngày những ngày cận Tết. Số lượng này tăng gấp 3 lần bình thường, do đó sẽ không có khả năng thiếu hàng. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng quản lý thị trường để kiểm soát giá cả, chúng tôi còn phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên lấy mẫu hàng ở chợ Đầu mối Hòa Cường để bảo đảm nguồn hàng nhập về thị trường Đà Nẵng là hàng sạch".

Sáng14-1, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cùng đoàn công tác đến làm việc với Sở Công thương Đà Nẵng về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết 2015.

Sau khi trao đổi về tình hình cung-cầu, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nguồn dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, các hành vi gian lận thương mại; các quy định kinh doanh thực phẩm..., đoàn đã có buổi khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối hàng chủ lực tại địa phương như Đắc Vinh, Coopmart, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn và các cửa hàng tiện lợi...

Tại đây, đoàn đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nhằm đem đến mục tiêu tốt nhất cho Tết Nguyên đán sắp đến.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.