Kinh tế
Cơ hội bứt phá của dệt may
Năm 2014, ngành dệt may thành phố Đà Nẵng đạt 270 triệu USD, tăng 25,6% so với năm 2013 và là mức tăng lớn nhất từ trước tới nay.
Sản xuất quần áo cao cấp ở Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. |
Đồng thời, với nhiều hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các đối tác, đã và đang chuẩn bị được ký kết, ngành dệt may thành phố đang đứng trước những cơ hội rất lớn để bứt phá.
Cơ hội bứt phá
Điều đáng mừng là các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đều có tăng trưởng và rất ổn định đối với ngành dệt may Việt Nam. Đây là những nước (trừ EU) đã và đang đàm phám để ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mỹ và Hàn Quốc hiện là 2 thị trường lớn, chiếm tới gần 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành; đối với ngành dệt may thành phố Đà Nẵng trên 75%, có doanh nghiệp chiếm tới trên 90%.
Đây là cơ hội rất lớn để ngành dệt may phát triển trong năm 2015 và trong tương lai, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp dệt may của thành phố nói riêng và khu vực miền Trung- Tây Nguyên nói chung.
Ngoài ra, sau hơn một năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do, chuẩn bị ký kết (dự kiến vào đầu năm 2015). Điều này mở ra cơ hội cho hàng dệt may của Việt Nam vào 3 thị trường này thuận lợi, nhất là mặt hàng dệt kim nhẹ.
Các doanh nghiệp của Đà Nẵng như Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Dệt Hòa Khánh… sẽ có nhiều cơ hội, mở thêm mặt hàng dệt khăn - vốn đã được thị trường Đông Âu (cũ) chấp nhận.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định: Với những thuận lợi kể trên, ngành dệt may có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2015. Đối với các doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng thì đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phát huy được công nghệ và thiết bị được đầu tư trong những năm gần đây và mở rộng quy mô sản xuất trong những năm tiếp theo.
Chất lượng, công nghệ - nhân tố quyết định
Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi này khi vào các thị trường nói trên, ngành dệt may thành phố phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tự tin khi hội nhập. Đồng thời, thành phố cần có các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Điều đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may đã có nhiều cố gắng đầu tư hàng trăm tỷ đồng đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất với những bước đi phù hợp. Đặc biệt là đầu tư vào những mặt hàng may mặc cao cấp, nhất là veston, quần áo nam của các hãng may mặc nổi tiếng trên thế giới.
Đi đầu trong lĩnh vực này là Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3 với các mặt hàng veston và các mặt hàng cao cấp khác. Riêng mặt hàng này, mỗi năm ngành dệt may thành phố xuất khẩu sang thị trường Mỹ gần 1 triệu sản phẩm, trong đó trên 80% là của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.
Thành công này của các doanh nghiệp là kết quả việc thích nghi nhanh với thị trường thế giới, biết đi tắt đón đầu trên cơ sở nắm bắt được những quy định của các hiệp định kinh tế mà Việt Nam đang đàm phán, trong đó có TPP.
Bên cạnh việc đầu tư đối với các mặt hàng xuất khẩu để mở rộng thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng hơn đối với thị trường nội địa. Rất nhiều doanh nghiệp đã coi thị trường nội địa là mục tiêu đặc biệt quan trọng, nên đã có chiến lược đầu tư để chiếm lĩnh thị trường. Điều đáng mừng là nhiều chủ doanh nghiệp đã đổi mới cách nhìn về thị hiếu và yêu cầu về chất lượng hàng hóa của người tiêu dùng nội địa theo hướng đề cao chất lượng sản phẩm.
Thành công của Công ty CP Dệt Hòa Khánh là một ví dụ. Những năm qua, mặc dù nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc chuyển hướng sản xuất, nhưng Công ty CP Dệt Hòa Khánh vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định trên 20%/năm.
Ông Nguyễn Chánh, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Sản phẩm của công ty chủ yếu là tiêu thụ nội địa, vì muốn xuất khẩu ổn định và tăng trưởng thì trước tiên phải làm tốt các sản phẩm tiêu thụ trong nước và được người tiêu dùng nội địa chấp nhận. Vì vậy, trong những năm qua, công ty đã không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các mặt hàng chủ lực như màn tuyn, vải các loại. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty được tiêu thụ mạnh trên thị trường nội địa và được nhiều doanh nghiệp may mặc hàng xuất khẩu mua để sản xuất.
Với nhiều hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các đối tác, đã và đang chuẩn bị được ký kết, ngành dệt may thành phố đang đứng trước những cơ hội rất lớn để bứt phá. Song quy mô, công nghệ… của ngành còn rất nhỏ bé và lạc hậu so với các doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi ngành dệt may thành phố Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng, lợi thế.
Do vậy, để hội nhập và phát triển, ngoài sự hỗ trợ của thành phố với các chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp cần chủ động, có kế hoạch phù hợp để đầu tư công nghệ, thiết bị, xúc tiến thương mại, tự tin hội nhập khi các hiệp định nói trên được ký kết và có hiệu lực.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH