Kinh tế

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội

07:34, 21/01/2015 (GMT+7)

Ngày 20-1, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) và Trường Đại học Sungkonghoe (Hàn Quốc) tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển kinh tế địa phương thông qua hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp xã hội (DNXH), với sự tham gia của 40 đề tài nghiên cứu lý thuyết gắn với thực tiễn về các mô hình HTX và định hướng phát triển; huy động vốn để phát triển DNXH và các nhân tố góp phần thành công của DNXH.

Công ty Solar Serve là DNXH đầu tiên ở Đà Nẵng đã tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức phi lợi nhuận để triển khai các dự án năng lượng mặt trời.
Công ty Solar Serve là DNXH đầu tiên ở Đà Nẵng đã tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức phi lợi nhuận để triển khai các dự án năng lượng mặt trời.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Theo GS, TS Seungkwon Jang, Trường Đại học Sungkonghoe (Hàn Quốc), hiện nay, Hàn Quốc có nhiều HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Có thời điểm mô hình kinh tế HTX ở Hàn Quốc bị khủng hoảng do phát triển ào ạt, nhưng kinh tế HTX đã quay trở lại kể từ năm 2008 với vai trò làm chủ thể để giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận lớn người dân. Kinh tế HTX phát triển thông qua chính sách từ chính quyền Hàn Quốc.

Ngay trong năm 2008, Hàn Quốc đã có 3.000 HTX kiểu mới được thành lập. Hoạt động của HTX thông qua 9 thành phần luật như các Luật HTX nông nghiệp, HTX DN vừa và nhỏ, HTX thủy sản, sản xuất thuốc lá, tín dụng, lâm nghiệp, Luật Quỹ tín dụng, Luật HTX tiêu dùng, Luật HTX cơ bản. HTX được hỗ trợ thâm nhập thị trường, vốn sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực và liên kết hợp tác giữa các HTX…

Hoạt động của các DNXH là hướng vào mục tiêu giải quyết việc làm cho người thất nghiệp và xóa nghèo đói. DNXH tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước. HTX và DNXH ở Hàn Quốc được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo môi trường phát triển, cung cấp dịch vụ công, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thời điểm trở lại của kinh tế HTX đối với Việt Nam

Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ở Việt Nam, khu vực kinh tế HTX ra đời và phát triển hơn 60 năm, là một bộ phận không thể tách rời trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh sự thành công của việc phát triển các loại hình doanh nghiệp theo nhiều hình thức sở hữu khác nhau, Việt Nam đã và đang quan tâm đến việc phát triển DNXH với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Hiện Việt Nam có 200 đơn vị hoạt động theo mô hình DNXH, trong đó có 68% DNXH hướng đến mục tiêu này. Ngoài ra có 48% DNXH hướng đến mục tiêu liên quan đến lĩnh vực môi trường, cung cấp sản phẩm và dịch vụ thân thiện mới môi trường.

DNXH mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế khi khai thác được các nguồn lực, tạo ra giá trị, việc làm, tăng thu nhập góp phần đảm bảo sự ổn định của xã hội.

“Mô hình HTX và DNXH đã và đang là những công cụ hữu hiệu được Hàn Quốc sử dụng nhằm điều chỉnh các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường tự do; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tư nhân ở khu vực nông thôn, miền núi và hình thành các doanh nghiệp cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội. Do vậy, việc quan tâm và phát triển mô hình HTX và DNXH trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là công cụ quan trọng giúp cho Việt Nam có thể hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội”, PGS, TS Nguyễn Mạnh Toàn nói.

GS, TS Lê Thế Giới, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đề xuất hướng phát triển kinh tế HTX ở Đà Nẵng cần có mô hình HTX các chợ trên địa bàn thành phố như mô hình đã thực hiện tại HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Cường, quận Hải Châu.

Về giải pháp để phát triển kinh tế HTX thời gian đến cần hoàn thiện khung pháp lý cơ bản về kinh tế tập thể, kinh tế HTX, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ HTX, đổi mới tổ chức sản xuất, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vốn.

Về nguồn vốn để xây dựng các DNXH, TS Nguyễn Thị Thủy (Trường Đại học Kinh tế) gợi ý DNXH sử dụng vốn vay và có bảo lãnh của các tổ chức từ thiện hoặc chính phủ; phát hành nợ có đặc trưng của vốn chủ sở hữu với việc phát hành nợ cho các nhà đầu tư và nhà đầu tư được nhận lãi dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNXH.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.