Kinh tế
Quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ: Vẫn chưa quản lý rốt ráo
Việc khuyến mãi, tặng quà, trưng bày logo quảng cáo hoặc cử nhân viên trực tiếp và gián tiếp tư vấn, khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng chính thức bị nghiêm cấm kể từ ngày 1-3-2015.
Hàng sữa trong siêu thị có nhiều quà tặng và chương trình khuyến mãi dành cho sản phẩm từ 0-2 tuổi và sữa bầu. Trong ảnh: Khách hàng xem quà tặng kèm sữa (ảnh chụp sáng 2-3-2015). |
Tuy nhiên, đến nay, dù luật đã bắt đầu có hiệu lực nhưng ở cửa hàng sữa, siêu thị đến một số trường mẫu giáo và cơ sở y tế vẫn chưa đả động đến quy định mới này.
Ngày có hiệu lực vẫn chưa… hiệu lực
Nghị định Quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo (sau đây gọi tắt là Nghị định 100) của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-3-2015, với nhiều nội dung về tuyên truyền, quảng cáo, kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (dưới 24 tháng tuổi) thay đổi đáng kể so với trước đây, qua đó thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo đó, việc quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức; cấm trưng bày tên, logo sản phẩm trên các biểu ngữ, áp-phích và tài liệu quảng cáo khác trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cơ sở y tế; cấm các biện pháp khuyến mại như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, tặng quà, tính điểm cộng thưởng, giảm giá trực tiếp hoặc bất kỳ hình thức nào khác; cấm cử nhân viên tiếp xúc với các bà mẹ hoặc gia đình họ tại trong hoặc ngoài cơ sở y tế với mục đích quảng cáo, tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, v.v…
Ngày 23-12-2014, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có buổi triển khai nghị định này đến các cán bộ của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc ra đời nghị định là một quá trình khó khăn kéo dài 3 năm vì phải dung hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ “quyền” được bú sữa mẹ của trẻ em.
Tuy nhiên, nghị định đã có rồi nhưng đến ngày chính thức có hiệu lực thì cả cơ quan chức năng và các đơn vị trực tiếp thực thi nghị định này đều… không nhớ có những quy định trên.
Đủ kiểu “chiêu dụ”
Ngày 2-3, tức sau hai ngày Nghị định 100 có hiệu lực, việc trưng bày, quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn diễn ra… rầm rộ. Tại các siêu thị, nhiều logo, tranh, ảnh, hình mẫu bà bầu, em bé và tên, nhãn sữa được trưng bày ở những vị trí bắt mắt. Đặc biệt, quà tặng “câu khách” đối với sản phẩm sữa cho trẻ từ 0-6 tháng và từ 1-2 tuổi đa dạng, phong phú gồm tặng kèm đồ chơi, màu tô, áo mưa, gấu bông, chén sứ, ly thủy tinh v.v… Từ sữa ngoại đến sữa nội đều có những mẫu quà hấp dẫn thu hút khách mua hàng. Bên cạnh đó, một số loại sữa thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá đến 100.000 đồng/lon 900 gram.
Bên cạnh đó, trước cổng trường mầm non hiện vẫn “vô tư” treo băng-rôn khổ lớn của một nhãn hàng sữa kèm dòng chữ: “Giúp bé phát triển trí não tốt hơn”. Quan sát một số phòng khám nhi tư nhân, chúng tôi nhận thấy thương hiệu các hãng sữa được trưng bày thông qua hình thức dán trên thước đo chiều cao, ti-vi, tranh minh họa…
Việc cấm nhân viên tiếp cận khách hàng để khuyến khích sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ lại là chuyện… xa vời. Trong vai trò người mẹ cần mua sữa cho con độ tuổi 6 tháng và 11 tháng, chúng tôi được các nhân viên phụ trách ngành hàng sữa ở các cửa hàng và siêu thị nhiệt tình tư vấn từ cách chọn bột ăn dặm nhiều rau củ đến loại sữa giàu đạm giúp bé dễ tiêu hóa. Một nhân viên còn khuyến cáo: Nên mua sữa ngoại vì sữa giàu hàm lượng dinh dưỡng sẽ tốt cho não và mắt của trẻ nhỏ, nhất là với bé mới sinh.
Chờ hướng dẫn thực hiện
Trả lời về việc Nghị định 100 “im hơi lặng tiếng” dù đã đến ngày chính thức có hiệu lực, chiều 2-3, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đến nay Sở còn chờ văn bản hướng dẫn từ Bộ Y tế để triển khai nghị định này. Tuy nhiên, trước sự phản ánh của báo chí, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ ra các văn bản chỉ đạo đến các đơn vị liên quan để nhắc nhở về những quy định của nghị định 100.
Đặc biệt, đối với các phòng khám, cơ sở y tế thuộc quản lý của ngành y tế Đà Nẵng, Sở sẽ thực hiện việc chấn chỉnh trong thời gian tới. “Ban đầu là nhắc nhở nhưng đến khoảng giữa năm nay, nếu các đơn vị vẫn phớt lờ nghị định thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử phạt cứng rắn”, bà Yến nói.
Bài và ảnh: THU HOA