Kinh tế

Giải pháp thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài

Bài 2: Nhận diện các nhà đầu tư tiềm năng

10:48, 10/04/2015 (GMT+7)

Đà Nẵng đang có sự lệch pha trong thu hút FDI, bởi những năm qua việc thu hút vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) du lịch chiếm 53,69%; trong khi đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp chỉ chiếm 32,98% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực đầu tư giáo dục chiếm 5,08%.

Công ty Tokyo Keiki của Nhật Bản là doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng và dẫn dắt Công ty TNHH Niwa Foundry vào đầu tư và sản xuất sản phẩm phụ trợ cho mình với tổng vốn đầu tư của 2 nhà máy trên 70 triệu USD trong năm 2014.
Công ty Tokyo Keiki của Nhật Bản là doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng và dẫn dắt Công ty TNHH Niwa Foundry vào đầu tư và sản xuất sản phẩm phụ trợ cho mình với tổng vốn đầu tư của 2 nhà máy trên 70 triệu USD trong năm 2014.

Việc nắn dòng vốn FDI tiếp tục đổ về BĐS du lịch vấp phải khó khăn. Vì vậy, cần có sự nhận diện nhà đầu tư tiềm năng và phù hợp với môi trường đầu tư của thành phố.

Hiện nhà đầu tư cũng thực sự cân nhắc trước khi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng. Năm 2014, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố đã gặp gỡ và làm việc với 40 đoàn các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư như các tập đoàn Airbus, Safran, Kai, Misubishi Industry, Apple cùng 12 cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhưng kết quả đạt được không cao.
Vấn đề ở đây là, với điều kiện thực tế của thành phố thì đâu là những nhà đầu tư tiềm năng.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố cho biết, trong điều kiện hiện nay, thành phố nên tập trung vào thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Năm 2014, Đà Nẵng thực hiện xúc tiến đầu tư với 200 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Fukuoka và Gifu, với 50 DN Hàn Quốc tại Seoul… Ngoài việc duy trì hoạt động của Văn phòng đại diện tại Nhật Bản, sắp đến thành phố thành lập thêm Văn phòng xúc tiến đầu tư tại Singapore.

Thực tế môi trường đầu tư của DN FDI vào Đà Nẵng không quá khó khăn như những phân tích về thực trạng môi trường đầu tư vừa được Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố nhận định. Bởi, thời gian qua, nhiều DN FDI đến từ các quốc gia này đã đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Điểm qua tình hình sản xuất, kinh doanh của một số DN FDI cho thấy môi trường đầu tư của thành phố có những điểm tích cực và DN đã thực sự hài lòng. Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng với 100% vốn Nhật Bản đã được Tập đoàn Foster Nhật Bản xác định là nhà máy chiến lược. Với 2 nhà máy tại 2 khu công nghiệp Hòa Khánh và Hòa Cầm thu hút 10.000 lao động để sản xuất thiết bị âm thanh.

Năm 2014, Công ty TNHH Foster Đà Nẵng đạt giá trị doanh thu 2.000 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ thuế cho thành phố gần 100 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Quan Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Foster Đà Nẵng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty có nhiều thuận lợi, môi trường đầu tư tại Đà Nẵng hấp dẫn và qua Foster Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều DN khác của Nhật Bản đến Đà Nẵng đầu tư.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital Đà Nẵng cũng khẳng định, Đà Nẵng là địa điểm đầu tư có hiệu quả. Những năm qua, VinaCapital đều đạt hiệu quả cao trong đầu tư ở các lĩnh vực BĐS du lịch, sân golf. VinaCapital đã thực hiện 21 triệu USD về chuyển quyền sử dụng đất, 11 triệu USD tiền thuế và đóng góp 3 triệu USD vào công tác xã hội từ thiện. Ngay trong quý 1-2015, VinaCapital tiếp tục đầu tư 50 triệu USD để phát triển dự án BĐS du lịch.

Cũng trong quý 1-2015, nhà đầu tư thứ 2 của Nhật Bản là Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, diện tích sử dụng đất 3,11ha, nâng tổng vốn đầu tư vào Khu công nghệ cao lên 70 triệu USD. Ông Tatsumi Niwa, Chủ tịch HĐQT Công ty Niwa Foundry Nhật Bản cho biết, DN của ông là nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp chế tạo. Quyết định chọn đầu tư vào Đà Nẵng là nhận định sự phát triển của thành phố và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư khác.

Có một thực tế đang diễn ra là các nhà đầu tư Nhật Bản thường có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư bằng sự dẫn dắt. Chính Công ty Tokyo Keiki đi trước vào khu công nghệ cao đã dẫn dắt Niwa Foundry và sản phẩm của Niwa Foundry được Tokyo Keiki tiêu thụ.

Đóng góp của DN FDI và dòng vốn FDI có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở thành phố. Năm 2014, DN FDI đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp thành phố 11.650 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 600 triệu USD.

Ông Tatsumi Niwa, Chủ tịch HĐQT Công ty Niwa Foundry Nhật Bản chia sẻ: “Tôi đã từng dự định đầu tư vào Thái Lan, nhưng tôi đã chọn Đà Nẵng như một quyết định nhìn về tương lai cho DN”.

Do vậy, vấn đề đặt ra cho thành phố Đà Nẵng là nhận diện cho được nhà đầu tư để xúc tiến đầu tư FDI.

LG đầu tư dự án 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng

Ngày 27-3, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) chính thức khai trương Tổ hợp công nghệ LG đầu tiên tại Hải Phòng. Dự án có số vốn đăng ký lên đến 1,5 tỷ USD và được xác nhận là dự án có quy mô lớn nhất thế giới của LG Electronics. Tổ hợp nhà máy này có diện tích 800.000m2; tập trung sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như: ti-vi, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi, các thiết bị kỹ thuật số cho ô-tô…; phục vụ xuất khẩu khoảng 70% sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Hàn Quốc, tiêu dùng trong nước khoảng 30%, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của LG trên toàn cầu.

LG sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại nhà máy dự kiến đạt  50% trong giai đoạn 1 đầu tư và phát triển.  

(Nguồn: Báo Hải Phòng)

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.