Kinh tế
Giải quyết kịp thời khó khăn
Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Đà Nẵng trở thành nguồn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả không chỉ cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên mà cả cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Trong gần 3 năm, đã có gần 500 cán bộ, công chức, viên chức vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Cuối năm 2014, chị Nguyễn Thị Hà, công tác tại một cơ quan thuộc khối đoàn thể thành phố đăng ký vay vốn của NHCSXH thông qua kênh Công đoàn Viên chức (CĐVC). Qua quá trình xét chọn của cơ quan, chị được đưa vào danh sách xét cho vay. “Cả hai vợ chồng cưới nhau được hơn 5 năm, xa nội, xa ngoại nên cuộc sống khó khăn. Lương của hai vợ chồng chưa đầy 8 triệu đồng/tháng nên không đủ trang trải cuộc sống, huống hồ chi sửa nhà, sắm phương tiện đi lại”, chị Hà nói.
Chị Hà cho biết, vừa qua, gia đình sửa chữa nhà hết 100 triệu đồng nên rất túng thiếu. Ngoài số tiền tích góp được trong mấy năm, hai vợ chồng mượn của bà con và bạn bè gần 50 triệu đồng. “Tôi đang trông chờ ngân hàng giải ngân để trả nợ cho người thân”, chị Hà thổ lộ.
Cũng thông qua kênh CĐVC, anh Phan Văn Dưỡng, công tác tại một cơ quan khối Đảng vay 50 triệu đồng để mua sắm phương tiện đi lại. “Mỗi tháng trả lãi chưa đến 350.000 đồng và trừ thông qua lương. Mỗi năm trả gốc hơn 16 triệu đồng. Vay được số tiền như vậy cũng giải quyết nhiều việc cho gia đình”, anh Dưỡng chia sẻ.
Bà Trần Thị Phương Lan, Giám đốc NHCSXH thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay cán bộ, công chức có hoàn cảnh khó khăn gần 14,6 tỷ đồng, với 453 khách hàng còn dư nợ. Riêng trong năm 2014 đã giải ngân cho 167 cán bộ, công chức, với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng.
Theo bà Lan, năm 2012 là năm đầu tiên triển khai thực hiện thí điểm cho vay đối với cán bộ, công chức có hoàn cảnh khó khăn ở các Công đoàn cơ sở trực thuộc CĐVC theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 5756/QĐ-UBND ngày 18-7-2012 của UBND thành phố Đà Nẵng.
“Với cơ chế cho vay bảo đảm có sự quản lý chặt chẽ từ Công đoàn cơ sở, các nhóm vay vốn đều có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở đối tượng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích và thực hiện việc trả lãi vay, vốn vay đúng hạn, phát huy được tác dụng hiệu quả từ chương trình. Qua đó nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống của đoàn viên”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Chủ tịch CĐVC thành phố Nguyễn Thị Tuyết Nhung nhìn nhận, những người được vay đa số rơi vào cán bộ trẻ, các trường hợp khó khăn là người thân bị đau ốm, con cái học hành. Do đó, nguồn vốn này phần nào đã giải quyết khó khăn của họ; nhiều người thông qua nguồn vốn còn giải quyết được phương tiện đi lại, sửa chữa nhà cửa.
Theo bà Nhung, trước đây triển khai chủ yếu trong cán bộ, công chức thuộc CĐVC quản lý, nhưng năm 2014 thì Liên đoàn Lao động thành phố ủy quyền cho CĐVC triển khai cho vay thêm đối với cán bộ, công chức ở Công đoàn ngành trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố và cũng đem lại hiệu quả khả quan.
“Qua khảo sát thì nhu cầu vay hiện nay và nguồn vốn cho vay chỉ đáp ứng được 50%, do đó, năm 2015 CĐVC tiếp tục đề nghị UBND thành phố phân bổ nguồn vốn để cho vay với các đối tượng này và đang chờ giải quyết”, bà Tuyết Nhung chia sẻ. Hiện lực lượng cán bộ, công chức trẻ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đó họ rất trông chờ vào nguồn vốn vay của thành phố thông qua NHCSXH để được vay trong thời gian đến.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ