Kinh tế
Phát triển kinh tế tập thể: Bài toán cần lời giải sớm
Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX), Hội Nông dân thành phố và chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kinh tế tập thể, bằng cách hỗ trợ thành lập các HTX, coi đây là giải pháp khả thi tạo việc làm cho lao động nghèo, góp phần làm ra nhiều của cải đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội.
Một trong số ít hợp tác xã vẫn giữ được nhịp độ sản xuất ổn định là Hợp tác xã Mây tre An Khê. |
Ngoài kinh phí của các ngành chức năng, thành phố cũng hỗ trợ một phần để khuyến khích việc ra đời các HTX. Mô hình HTX tại địa bàn thôn, trưởng thôn đồng thời là giám đốc HTX cũng đã được tính đến. Tuy vậy, việc thành lập và phát triển loại hình kinh tế này vẫn rất khó khăn, thậm chí không đạt như kỳ vọng. Vì nhiều lý do, không ít HTX sau khi thành lập, sản xuất kinh doanh (SXKD) bế tắc, hiệu quả rất thấp, lâm vào tình trạng “hữu danh vô thực”.
Theo số liệu từ Liên minh HTX thành phố, đến cuối năm 2014, có 112 HTX, tăng 7 HTX so năm 2013, trong đó chỉ có 78 HTX là thành viên của Liên minh HTX. Đến nay, do SXKD kém hiệu quả, 27 HTX đã ngưng hoạt động. Tổng số vốn điều lệ của các HTX là 106,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 34.113 lao động, doanh thu năm 2014 ước đạt 324,6 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ hiệu quả SXKD của loại hình kinh tế này rất thấp. Trong khi lao động rất lớn, thế nhưng giá trị của cải làm ra không nhiều. Với 324,6 tỷ đồng thu được chưa bằng doanh thu của một doanh nghiệp có vài ba trăm công nhân.
Từ thực tế nêu trên đang đặt ra vấn đề thành lập HTX trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay như thế nào. Có 3 yếu tố làm nảy sinh vấn đề này. Một là: HTX là nơi hội tụ những người yếu thế cả về năng lực trình độ, tiềm lực kinh tế, rất khó khẳng định được vị thế trong cơ chế kinh tế thị trường luôn có sự cạnh tranh gay gắt.
Hầu hết HTX hình thành trên cơ sở vốn góp không nhiều của các thành viên và một phần hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nên không thể triển khai các dự án quy mô lớn, chủ yếu duy trì sản xuất ở mức nhỏ lẻ. Hai là, hoạt động SXKD của HTX thường đơn điệu, quy mô nhỏ, sản phẩm làm ra ít có sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, các HTX thành lập trong vài ba năm trở lại đây đa số là sản xuất nấm ăn, trồng hoa, trồng rau. Những lĩnh vực này hộ cá thể đủ sức triển khai và đều có kết quả cao hơn do họ tự chủ về mọi mặt.
Ba là, bản chất kinh tế HTX nặng tính bao cấp, “cha chung không ai khóc” nên rất dễ rơi vào bế tắc khi không có sự tiếp sức của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho loại hình kinh tế này càng ngày càng yếu trong đời sống xã hội. Đó là chưa nói khâu hưởng thụ vô cùng phức tạp do không phải thành viên nào cũng đóng góp tiền bạc, công sức như nhau. Không ít HTX mất đoàn kết, dẫn đến giải thể cũng chỉ vì sự phức tạp đó.
Nhìn lại một số HTX SXKD nấm ra đời vài ba năm trở lại đây thấy rất rõ điều đó. Trong khi hộ cá thể sản xuất rất hiệu quả thì tại các HTX, sản phẩm làm ra không nhiều, trong đó một số HTX đã ngừng hoạt động.
Báo cáo về tình hình kinh tế tập thể năm 2014 của Liên minh HTX thành phố, phần yếu kém, tồn tại nêu rõ: Quy mô hoạt động của HTX nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; năng lực nội tại của từng HTX yếu, sức cạnh tranh của sản phẩm không cao, hiệu quả thấp; lợi ích kinh tế và xã hội đem lại cho các thành viên chưa nhiều; thu nhập của cán bộ quản lý HTX ít ỏi nên ít người gắn bó lâu dài...
Từ đánh giá trên đủ biết bức tranh của HTX hiện nay. Và như vậy, việc phát triển HTX nhiều hơn nữa cũng cần phải tính đến, bởi thành lập không khó song để hoạt động hiệu quả là điều không dễ.
Theo kế hoạch của Liên minh HTX thành phố, trong năm 2015 này sẽ tiếp tục thành lập mới 5-7 HTX. Liệu chỉ tiêu này có ảnh hưởng gì khi trong năm 2014 đã có 27 HTX ngừng hoạt động. Có lẽ nội dung cần quan tâm hơn cả là củng cố các HTX hiện có, triển khai chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đúng yêu cầu đặt ra. Cùng với đó, nên chăng các cấp chính quyền, các ngành cần ưu tiên hỗ trợ cho các nông hộ để họ mạnh dạn đầu tư, mở mang sản xuất, bởi loại hình kinh tế này đã và đang khẳng định được lợi thế về sự tự chủ, năng động và hiệu quả cao trong SXKD...
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU