Kinh tế

Gỡ vướng về chính sách thuế, hải quan cho doanh nghiệp

07:16, 06/06/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Nộp thuế điện tử và thất thu thuế là hai vấn đề xuất hiện trong nhiều câu hỏi gửi đến buổi giao lưu trực tuyến do UBND thành phố phối hợp cùng Cục Thuế và Cục Hải quan Đà Nẵng tổ chức ngày 5-6.

Đến dự buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã trả lời nhiều nội dung quan trọng.

Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương tham gia và trả lời nhiều câu hỏi tại buổi đối thoại trực tuyến.
Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương tham gia và trả lời nhiều câu hỏi tại buổi đối thoại trực tuyến.

Nhiều chính sách còn nhập nhằng

Đại diện Công ty Dệt May 29-3 nêu lên vướng mắc, khi thực hiện kê khai hải quan điện tử, doanh nghiệp được phép không cần in tờ khai để mang đến Hải quan đóng dấu và mang ra cảng thông quan, điều này rất thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng các đơn vị quản lý nhà nước khác lại cần có tờ khai hải quan có dấu hải quan để làm các thủ tục cấp phép khác. Chính sự chồng chéo này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục.

Chia sẻ với vướng mắc của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Cục phó Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết: Cục Hải quan Đà Nẵng sẵn sàng cung cấp các thông tin tờ khai hải quan dưới dạng điện tử cho các cơ quan liên quan khi có đề nghị. Với phản ánh của Công ty Dệt may 29-3, Cục Hải quan Đà Nẵng sẽ báo cáo Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính để có sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cũng gặp khó vì những “nhập nhằng” trong chính sách thuế, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Việt Đà nêu câu hỏi về việc có được phép xuất hóa đơn sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với công ty nhưng chưa sử dụng xong dịch vụ? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Ân, Phó cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, theo quy định, đơn vị chỉ được xuất hóa đơn sau khi khách hàng đã sử dụng xong dịch vụ.

Trả lời kiến nghị của Công ty Thép Dana – Ý về việc cho phép ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu bằng hình thức bảo lãnh thông qua ngân hàng, trên cơ sở cam kết của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Cục phó Cục Hải quan Đà Nẵng cho rằng kiến nghị của công ty không phù hợp với quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Tuy nhiên, tiếp thu vướng mắc của doanh nghiệp, Cục Hải quan Đà Nẵng đã báo cáo kiến nghị này với Tổng cục Hải quan. Trong thời gian này, đề nghị công ty vẫn thực hiện theo hướng dẫn tại điều 58, Nghị định số 38, ngày 24-4-2015. Cục Hải quan Đà Nẵng sẽ tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, khi có hướng dẫn, sẽ thông báo cho công ty biết thực hiện.

Nộp thuế điện tử, thất thu thuế được quan tâm

Liên quan đến NTĐT, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi, ngành Thuế và lãnh đạo thành phố có giải pháp gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thuận lợi việc NTĐT, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2015, 100% doanh nghiệp Đà Nẵng triển khai và NTĐT.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, tính đến ngày 29-5-2015 toàn thành phố mới có 1.082 đơn vị đăng ký NTĐT với cơ quan Thuế và hơn 1.000 doanh nghiệp nộp, chuyển tiền thuế với cơ quan Hải quan qua hệ thống ngân hàng, kho bạc.

Đây là con số còn thấp khi thời hạn chót để hoàn thành mục tiêu đang đến gần (30-9-2015). Ông Võ Duy Khương đề nghị doanh nghiệp cần nhanh chóng và mạnh dạn trong việc thực hiện dịch vụ này. Đồng thời, Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố tập trung hướng dẫn cho doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông hoặc gặp trực tiếp doanh nghiệp. "Họ vướng ở đâu là mình giúp ở đó. Đây là khâu mình làm còn yếu”, ông Võ Duy Khương nhấn mạnh.

Thời gian qua, ngành Thuế và Hải quan thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thực hiện NTĐT như: phát tờ rơi giới thiệu và hướng dẫn việc NTĐT đến DN tại các Hội nghị tập huấn chính sách thuế; phối hợp với các NHTM trên địa bàn, mở 09 lớp tập huấn NTĐT với sự tham gia của 1.120 doanh nghiệp... 

Bên cạnh những câu hỏi về thủ tục thuế, hải quan nhiều câu hỏi gửi về chương trình bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp FDI.

Làm rõ vấn đề này, ông Võ Duy Khương cho biết thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã rà soát, điều chỉnh mức thuế khoán của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống theo hướng: điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm trong năm (tăng vào mùa cao điểm và giảm vào mùa thấp điểm); điều chỉnh tăng đối với các địa bàn có lĩnh vực kinh doanh này phát triển mạnh như Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê. 

Đồng thời, chỉ đạo Công an quận, phường hằng tuần thông báo cho Chi cục Thuế quận và Đội Thuế phường thông tin về khách lưu trú tại các khách sạn nhằm kịp thời đối chiếu khi đơn vị kinh doanh kê khai. Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần cung cấp cho cơ quan Thuế các dữ liệu về quy mô khách sạn và đơn giá phòng nghỉ đã đăng ký cũng như rà soát, phân loại các khách sạn, resort, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành những nhóm khác nhau (nhóm tích cực, chưa tích cực và không tích cực) dựa trên các tiêu chí về đóng góp cho ngân sách và chấp hành các quy định của pháp luật trên địa bàn để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng với các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, UBND thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế thành phố phối hợp với các sở, ngành có liên quan (Hải quan, Công an, Kế hoạch và Đầu tư…) tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá và các hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền thương mại có dấu hiệu gian lận. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ ngành Thuế để qua công tác theo dõi, thanh tra, sớm phát hiện những hành vi gian lận tinh vi của một số doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

.