Kinh tế
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đô thị tại Việt Nam
Ngày 27-6, tại thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACCVN) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và kết nối mạng lưới quỹ phát triển cộng đồng với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện 36 đô thị trên cả nước.
Ảnh minh họa |
Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo bền vững giữa các đô thị trong nước thông qua Quỹ phát triển cộng đồng (CDF) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ; đồng thời kết nối giữa các đô thị trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đô thị tại Việt Nam.
Quỹ phát triển cộng đồng do Hiệp hội các đô thị Việt Nam hỗ trợ triển khai tập trung vào các hoạt động như: Xây dựng quỹ quay vòng vốn; thực hiện các dự án nhỏ về nâng cấp hạ tầng và dự án nhà ở tại các khu đô thị nghèo, qua đó củng cố năng lực và cải thiện điều kiện sống của người nghèo tại các thành phố. Mạng lưới Quỹ phát triển cộng đồng hiện có 56 đô thị thành viên trong cả nước, với tổng kinh phí vận động hơn 1,5 triệu USD.
Bà Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết: Hiệp hội các đô thị Việt Nam không trực tiếp cho các hộ vay mà chuyển toàn bộ kinh phí từ nguồn hỗ trợ của Liên minh quyền nhà ở Châu Á, Liên minh các thành phố cho các tổ chức thuộc đô thị điều hành và cộng đồng các khu dân cư nghèo sẽ cùng nhau vay vốn để xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng. Người được vay sẽ tiết kiệm hàng ngày và sau đó hoàn trả lại Quỹ để hỗ trợ cộng đồng nghèo khác.
Với phương thức này, từ năm 2009 đến nay, các đô thị thành viên trong mạng lưới Quỹ phát triển cộng đồng đã thực hiện được 225 dự án nâng cấp hạ tầng nhỏ với sự tham gia của gần 9 nghìn hộ nghèo; xây dựng 14 dự án nhà ở và trên 500 hộ nghèo được nâng cấp, hoặc xây mới nhà. Các đại biểu tham gia hội thảo đánh giá, Quỹ phát triển cộng đồng chính là động lực thay đổi vai trò của người dân từ người thụ hưởng trở thành người quyết định và hành động.
Bà Từ Thị Thanh Giang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho rằng, khi áp dụng chương trình này, người dân đã có sự chủ động trong giải quyết các vấn đề của mình. Đối với mục tiêu xây dựng nhà ở, khoản kinh phí hỗ trợ chỉ là chất xúc tác, quan trọng là người dân đã chủ động tự giải quyết khó khăn thông qua mạng lưới tiết kiệm.
Hiện trên cả nước có hơn 2.500 nhóm tiết kiệm cộng đồng được thành lập, thu hút gần 50.000 thành viên với số tiền tiết kiệm trên 3,5 triệu USD. Nguồn lực huy động trong cộng đồng này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thu nhập thấp tại các thành phố, mà còn hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại các đô thị Việt Nam..
TTXVN