Kinh tế

Mô hình vườn ươm doanh nghiệp cho Đà Nẵng:

Thiết lập hệ thống các chính sách cho khởi nghiệp

07:31, 22/06/2015 (GMT+7)

Sẽ rất khó để tìm ra được một mô hình cụ thể cho Đà Nẵng trong việc ươm tạo doanh nghiệp. Để đi đến thành công, cần quyết tâm cao của chính quyền thành phố với chiến lược phát triển cụ thể, lâu dài nhằm gầy dựng nên những doanh nghiệp thật sự đáp ứng được như kỳ vọng…

Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển vườn ươm khởi sự doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng”, diễn ra ngày 19-6, do UBND thành phố tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương.

Cần một chiến lược lâu dài và quyết tâm cao của chính quyền thành phố cho việc hình thành, phát triển Vườn ươm doanh nghiệp tại Đà Nẵng.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Cần một chiến lược lâu dài và quyết tâm cao của chính quyền thành phố cho việc hình thành, phát triển Vườn ươm doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Từ kinh nghiệm thực tiễn

Là một trong những người tham gia vào quá trình “ươm tạo” thành công thành phố truyền thông số Seoul và khu công nghiệp (KCN) Guro - hai trung tâm có nhiều đóng góp lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc, GS Kim Donyun, đến từ Trường Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc cho rằng, kinh nghiệm rút ra là xác định được một chiến lược phát triển lâu dài và xem các KCN này như những vườn ươm DN.

Điều này không chỉ giảm gánh nặng tài chính ban đầu cho việc xây dựng vườn ươm các KCN với tập hợp đa dạng các ngành nghề mà còn tạo không gian thuận lợi cho việc khởi nghiệp, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các học viện, trường đại học với DN - cơ sở nghiên cứu và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Vườn ươm DN Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sau 8 năm thành lập, hiệu quả của vườn ươm chưa được như mong muốn. Từ 28 DN được tuyển chọn để ươm tạo, kết quả mới có 3 dự án tốt nghiệp, hằng năm ngân sách cấp 1,5 – 2 tỷ đồng cho vườn ươm chủ yếu được sử dụng để đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ làm các sản phẩm mẫu, sự kiện đối thoại công nghệ, kết nối công nghệ. Nguồn thu lại từ hoạt động ươm tạo này mới chỉ đủ để… chi trả tiền điện, nước.

Qua thực tiễn, ông Long nhấn mạnh hai khó khăn lớn nhất vẫn là tài chính và tính khả thi của các dự án. “Có nhiều nhà đầu tư đã đến với chúng tôi nhưng họ lần lượt ra đi vì không tìm thấy cơ hội phát triển từ các DN. Chính vì vậy, không phải số lượng DN ươm tạo càng nhiều thì hiệu quả càng cao, thực tế từ 20 DN mà có được 2 DN tốt nghiệp từ vườn ươm thì có thể xem như thành công rồi”, ông Long nói.

Với kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, ông Jean Pierre Tô, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN công nghệ - Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trên thế giới hiện nay có hơn 80 mô hình vườn ươm DN nhưng không có một mô hình nào là chuẩn bởi nó phụ thuộc vào tình hình phát triển của mỗi một quốc gia, địa phương. Mô hình có thể gặp trong khi làm, nhưng nếu Đà Nẵng cứ lo đi tìm thì không bao giờ gặp được.

Bài học cho Đà Nẵng

Với định hướng của thành phố Đà Nẵng, vườn ươm DN sẽ là nơi ươm mầm và hỗ trợ các DN có ý tưởng kinh doanh tốt, có khả năng tồn tại và phát triển bền vững thành DN có quy mô lớn, sản xuất ra những sản phẩm chủ lực cho thành phố trong tương lai.

Theo TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng, trước mắt thành phố sẽ xây dựng vườn ươm các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao theo hình thức kết hợp giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, phát hiện những ý tưởng kinh doanh khả thi.

Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ ra mắt Trung tâm ươm tạo DN Công nghệ cao Đà Nẵng, năm 2017-2018, tiến hành xã hội hóa Trung tâm ươm tạo DN và có ít nhất 1 DN tốt nghiệp vườn ươm với kinh phí đầu tư khoảng 10,9 tỷ đồng...

Trước mục tiêu này, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, với thời gian trên có thể có hoặc có thể không có DN nào tốt nghiệp như mong muốn, bởi thực tế, mô hình vườn ươm khởi sự DN đã xuất hiện ở nước ta từ năm 2003 nhưng đến nay chỉ có khoảng 10 vườn ươm chính thức đang hoạt động, phần lớn hoạt động phi lợi nhuận, vốn từ nguồn ngân sách.

Ông Đích cũng chỉ ra 2 khó khăn chính hiện nay của vườn ươm DN là tài chính và mô hình hoạt động. Do đó, Đà Nẵng cần có nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN, tuyên dương công trạng, ưu đãi về đất đai để khuyến khích đầu tư xã hội hóa cho công tác ươm tạo DN công nghệ... Vì đây là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nên đòi hỏi sự quan tâm, quyết tâm của chính quyền thành phố cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Với kinh nghiệm của mình, GS Kim Donyun đề nghị Trung tâm ươm tạo phải có hạ tầng thông minh, lồng ghép được với hạ tầng truyền thống; là nơi DN, doanh nhân giao lưu học hỏi nhau; được điều hành theo hình thức hợp tác công - tư; kết nối với các hệ thống giáo dục đào tạo của thành phố, tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế... Ông cũng cam kết Đại học Sungkyunkwan tiếp tục hợp tác với Đà Nẵng để tạo nên thành công từ vườn ươm này...

Ông Jean Pierre Tô cũng đề xuất ý kiến, để xây dựng thành công vườn ươm này, Đà Nẵng nên xác định mục tiêu ngắn hạn là khuyến khích các DN đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và đổi mới công nghệ - tín dụng nghiên cứu khoa học do thành phố tài trợ được trừ trực tiếp trên số tiền thuế thu nhập DN và mục tiêu dài hạn là phổ cập hóa khởi nghiệp ở bậc phổ thông và đại học nhằm tạo đầu vào cho vườn ươm trong tương lai…

Cũng tại hội thảo, đại diện nhiều DN trên địa bàn thành phố bày tỏ băn khoăn làm sao để vườn ươm có thể thu hút được những nhóm khởi nghiệp thật sự có chất, có tầm, tạo ra những thương hiệu sản phẩm không chỉ tồn tại được ở thị trường Đà Nẵng mà có thể vươn ra cả nước, khu vực, châu lục.

Việc chọn để ươm tạo không phải là vấn đề một sớm một chiều, không nên ảo tưởng rằng tất cả những DN sau khi ươm tạo đều được tốt nghiệp và mang lại hiệu quả ngay tức thì, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, khó thu hút được nguồn đầu tư vì rủi ro cao, bấp bênh. Đồng thời, đề nghị thành phố nên mở rộng lĩnh vực ươm tạo DN mà Đà Nẵng có lợi thế cũng như định hướng phát triển là dịch vụ du lịch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Duy Khương nhấn mạnh, thông qua hội thảo, thành phố đã nhận được các đề xuất nhằm góp phần xây dựng một chương trình thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp trong thời gian đến với các nhóm giải pháp về thiết lập hệ thống các chính sách cho khởi nghiệp của thành phố, xây dựng Quỹ khởi nghiệp có sự phối hợp của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng một số hạ tầng phục vụ khởi nghiệp, hình thành và phát triển mạng lưới khởi nghiệp của thành phố.

Đồng thời, tăng cường các liên kết giữa Nhà nước, nhà đầu tư, nhà trường, cơ quan nghiên cứu và đối tượng khởi nghiệp; nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ DN; xây dựng mô hình vườn ươm DN phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của Đà Nẵng hiện nay.

KHÁNH HÒA

.