Kinh tế
Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển: Vẫn còn vướng mắc
Sau hơn 1 tháng triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế Đà Nẵng, bên cạnh những lợi ích đạt được, các doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn còn gặp khó ở nhiều khâu, cần có sự chung tay giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Cục Hải quan thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp kê khai điện tử trên cổng thông tin một cửa quốc gia. |
100% doanh nghiệp kê khai
Đúng 9 giờ ngày 6-5-2015, cơ chế một cửa quốc gia được chính thức triển khai mở rộng tại cảng biển quốc tế Đà Nẵng - một trong 5 địa phương thực hiện cơ chế là Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là một bước tiến hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời từng bước hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Cục Hải quan Đà Nẵng thực hiện cơ chế một cửa quốc gia sẽ giải quyết đơn giản thủ tục hành chính tại cảng biển. Theo đó, thay vì khai báo nhiều lần đến các cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm: Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch, Cảng vụ, thì các hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu chỉ cần khai báo thông tin đến Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ www.vnsw.gov.vn, sau đó hệ thống sẽ gửi thông tin đi các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện xử lý thông tin trên Cổng thông tin điện tử một cửa và phản hồi thông tin về cho doanh nghiệp trên hệ thống.
Theo ông Đào Thế Nhựt, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng, để triển khai có hiệu quả, trước đó, Cục Hải quan Đà Nẵng đã thành lập Tổ triển khai cơ chế một cửa quốc gia do Phó Cục trưởng làm Tổ trưởng nhằm kiểm tra, giám sát quá trình triển khai. Bên cạnh sự chuẩn bị về nhân lực, Cục đã kiểm tra, rà soát hệ thống máy móc thiết bị, đường truyền mạng bảo đảm tiếp nhận và xử lý thông tin gửi đến. Cục phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức tập huấn giới thiệu cách khai báo, xử lý trên hệ thống một cửa quốc gia; thực hiện kiểm tra, chạy thử trên hệ thống thử nghiệm để bảo đảm các thao tác theo hướng dẫn đã được tập huấn…
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 6-5 đến nay, theo thống kê, tất cả 100% hãng tàu, doanh nghiệp giao nhận tại Cảng Đà Nẵng đều đã thực hiện khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. “Thời gian đầu tiếp cận với phương thức mới, một số doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, vì vậy song song với việc kê khai điện tử, chúng tôi vẫn cho phép kê khai theo phương pháp truyền thống bằng văn bản giấy, nhưng đến nay 100% đều kê khai thành công trên Cổng một cửa quốc gia”, ông Đào Thế Nhựt cho hay.
Còn nhiều vướng mắc
Ông Đinh Trần Viên, đại lý Công ty TNHH Wanhai tại Đà Nẵng cho biết, thực tế tuy đã kê khai chi tiết tại Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng để hoàn thiện thủ tục, ông vẫn đồng thời khai báo tại Cảng vụ và Biên phòng lại lần nữa.
Lý do là Cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn chưa cung cấp đầy đủ tất cả các chức năng, thủ tục cần thiết. Ví dụ, công ty ông cần xin thẻ đi bờ cho thuyền viên thì trong Cổng thông tin một cửa quốc gia lại chưa có chức năng này, nên ông vẫn phải kê khai, làm thủ tục riêng với bên Biên phòng để được cấp phép. “Do đó, cần thiết phải bổ sung, tổng hợp, thống nhất tất cả các thông tin giữa 4 cơ quan quản lý để chỉ cần qua Cổng thông tin một cửa quốc gia là hoàn chỉnh thủ tục, từ đó mới đạt được mục tiêu “một cửa”, rút ngắn thời gian, thủ tục mà cơ chế hướng tới”, ông Viên nhìn nhận.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, đại lý Công ty CP Vận tải và thuê tàu Đà Nẵng (Vietfracht) cho rằng, cần tăng cường liên kết thông tin giải quyết, phê duyệt thủ tục tàu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (Cảng vụ, Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch) nhằm giải quyết kịp thời thủ tục cho doanh nghiệp. Một số tồn tại đang diễn ra như hệ thống Cảng vụ đã nhận được kết quả xử lý của Hải quan và Kiểm dịch, nhưng lại không nhận được kết quả xử lý của Biên phòng; hoặc như Cảng vụ đã cấp giấy phép rời cảng hoặc lệnh điều động mà các bên và đại lý hãng tàu vẫn không nhận được kết quả phản hồi hoặc nhận được trễ. Ông Vinh cũng cho biết, thời gian đầu, do mới thử nghiệm nên hệ thống thỉnh thoảng bị treo, chạy chậm, việc khai báo bị gián đoạn. Sau hơn nửa tháng thực hiện, cùng với những góp ý của các doanh nghiệp, hệ thống đã được nâng cấp và có phần trôi chảy, suôn sẻ…
Ông Đào Thế Nhựt cho rằng, những vướng mắc trên là không tránh khỏi đối với ứng dụng ban đầu một hệ thống tích hợp dùng chung, tiếp xúc và thao tác với giao diện mới. Từng bước, các lỗi trên sẽ được Tổng cục Hải quan cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu xử lý thống nhất, đưa hệ thống vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Bài và ảnh: MINH TRANG - AN NHIÊN