Kinh tế

Hợp tác khai thác tiềm năng du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng

16:42, 18/06/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và các phiên họp liên quan do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng (từ 16 đến 18-6), sáng 18-6 đã diễn ra Diễn đàn du lịch Mê Công với chủ đề “Khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch GMS thông qua quan hệ đối tác mới”.

Các chuyên gia cho rằng các nước trong khu vực GMS nên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa để thu hút khách.
Các chuyên gia cho rằng các nước trong khu vực GMS nên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Đây là dịp để các nước trong khu vực GMS khẳng định vai trò, vị thế của mình trong lĩnh vực du lịch, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ nổi bật tới bạn bè quốc tế.

Những năm qua, trong hợp tác đa phương GMS nói chung và hợp tác song phương giữa các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc nói riêng, lĩnh vực du lịch đã thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và đối tác liên quan.

Du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng đang duy trì sự tăng trưởng ổn định về lượng khách quốc tế đến và doanh thu du lịch.

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, từ năm 2002, lượng khách quốc tế đến GMS đã tăng liên tục, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 12%/năm. Năm 2014, Tiểu vùng đón gần 54 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,2% so với năm 2013, chiếm khoảng 20% tổng lượng khách đến châu Á - Thái Bình Dương.

Doanh thu du lịch quốc tế đạt trên 61 tỷ đô-la Mỹ. Hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; các sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ và nguồn nhân lực phục vụ du lịch đang từng bước được đầu tư, tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Với những thế mạnh hiện có, dự báo tới năm 2020, lượng khách quốc tế đến GMS sẽ đạt trên 70 triệu, tạo thu nhập gần 90 tỷ USD.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho rằng, GMS cần tiếp tục phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng, mang đậm bản sắc với chất lượng dịch vụ cao; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt cần đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Cơ quan du lịch quốc gia các nước trong Tiểu vùng cần phối hợp đưa ra những cơ chế, chính sách chung, tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng và quảng bá các sản phẩm liên vùng, liên quốc gia. GMS cần có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ… thông qua triển khai các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật, chính sách khuyến khích, vay ưu đãi để các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tham gia tích cực và hiệu quả hơn.

Ông Bruce Hancock, Giám đốc kinh doanh và phát triển tổ chức Banyan Thailand Hua Hin lại cho rằng, để có thể hưởng lợi từ dòng sông Mê Công này, các nước trong khu vực nên tạo ra những sản phẩm có tính liên kết với nhau như những khách sạn nhỏ và có phong cách riêng, những tuyến du lịch phụ thuộc vào cộng đồng. Ngoài ra cũng nên xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực cũng như các điều kiện khác để khai thác tiềm năng này.

Được biết, riêng tại Việt Nam, ngành du lịch luôn đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Năm 2014, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 7,87 triệu lượt, ngành du lịch phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 230 ngàn tỷ đồng, tương đương 10,7 tỷ USD. Và từ 1-7, Việt Nam sẽ miễn visa đơn phương cho du khách của 5 quốc gia Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho rằng, diễn đàn năm nay thực sự là dịp tốt để cơ quan du lịch của các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp du lịch thảo luận, đưa ra những đề xuất đẩy mạnh hợp tác công-tư, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá. Đó sẽ là những điều kiện quan trọng cho việc triển khai kế hoạch marketing du lịch tiểu vùng giai đoạn 2015-2020, hướng tới mục tiêu đưa Tiểu vùng Mê Công trở thành một điểm đến hấp dẫn chung đối với du khách.

Về phía Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết hy vọng, diễn đàn lần này mở ra nhiều cơ hội để các quốc gia trong khu vực sông Mê Công thắt chặt mối quan hệ đa phương, các nhà đầu tư có thêm các thông tin về xúc tiến thương mại, du lịch. Các doanh nghiệp sẽ tìm được đối tác quan trọng, tăng sự tương tác giữa người làm chính sách với doanh nghiệp nhằm tạo ra những lợi ích thực sự về kinh tế, giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch rất lớn tại khu vực sông Mê Kông.

Thu Hà

.