Kinh tế

Thúc đẩy kết nối cung - cầu trong liên kết vùng

07:34, 22/06/2015 (GMT+7)

Đà Nẵng được xem là cửa ngõ luân chuyển hàng hóa của hai miền Nam- Bắc và là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của cả nước. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để việc kết nối cung - cầu hàng hóa mang lại hiệu quả, Đà Nẵng cần liên kết chặt chẽ với các địa phương có nguồn hàng ổn định, chất lượng cao.

Mở rộng kết nối cung - cầu hàng hóa sẽ bảo đảm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản địa phương.
Mở rộng kết nối cung - cầu hàng hóa sẽ bảo đảm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản địa phương.

Tạo liên kết vùng

Theo Sở Công thương Đà Nẵng, năm 2014, Sở tổ chức 2 hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm với sự tham dự của hơn 250 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố. Qua 2 hội nghị đã có gần 50 DN ký kết thỏa thuận hợp tác, kết nối với tổng giá trị ước tính trên 100 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Lữ Bằng cho rằng chương trình kết nối cung - cầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phát triển liên kết hợp tác giữa các DN Đà Nẵng; tạo cơ hội cho các DN gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, phương thức, tiêu chuẩn thu mua của các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các nhà phân phối trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, nếu chỉ quẩn quanh trong “ao nhà” Đà Nẵng thì thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương sẽ không có chỗ đứng trên thị trường, DN sẽ không mở rộng được sản xuất.

Chưa kể nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ do thiếu nguồn vốn cũng không dám mạnh dạn hợp tác với các DN ở các địa phương khác vì sợ “bể” hợp đồng. Nhất là nhiều mặt hàng nông sản của địa phương, mặc dù đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định nhưng vẫn không thể bán cho các tỉnh, thành phố miền Trung mà phải ưu tiên chọn phân phối tại chỗ nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển cũng như để bảo đảm tính cạnh tranh cho hàng hóa.

“Hầu như năm nào cũng có DN các địa phương khác đến đặt hàng, nhưng HTX không thể ký hợp đồng, một mặt vì chi phí đóng bao bì cao, mặt khác vẫn chưa xây dựng được thương hiệu nên giá thành không cạnh tranh với các tỉnh, thành khác”, ông Nguyễn Mai Hồng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Nấm Hòa Tiến cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, kết nối cung - cầu sản phẩm không chỉ nhằm mục tiêu giúp DN giải quyết đầu ra cho sản phẩm mà còn trên tinh thần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Vì vậy, phải tạo được sự liên kết giữa các vùng, miền nhằm giúp DN Đà Nẵng trao đổi và tiêu thụ hàng hóa với các tỉnh, thành khác. Có như vậy mới đưa hàng Việt của DN địa phương sản xuất có mặt trên khắp thị trường cả nước.

“Vấn đề ở đây là làm sao để quy hoạch vùng sản xuất, dự báo thị trường và thông tin cho DN, đơn vị sản xuất nắm bắt nhu cầu thị trường. Nhất là các mặt hàng nông sản trong tình hình đầu ra khó khăn như hiện nay, liên kết vùng sẽ tạo được kênh phân phối rộng khắp, giúp tiêu thụ hàng hóa, hạn chế tình trạng nông dân ở địa phương sản xuất theo phong trào tự phát dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá”, bà Thủy nói.

Nên tìm kiếm sự hợp tác ba bên

Theo các DN sản xuất, để mở rộng hơn nữa phạm vi kết nối cung - cầu, không chỉ trong địa bàn thành phố Đà Nẵng mà vươn ra cả nước thì cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng; qua đó cụ thể hóa “Đề án phát triển thị trường trong nước” của Bộ Công thương gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, để mở rộng thị trường kết nối cung - cầu hàng hóa, trong tháng 9 tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với 16 tỉnh, thành miền Trung nhằm đẩy mạnh kế hoạch hợp tác thương mại, đưa chương trình kết nối cung - cầu đi vào chiều sâu.

“Lâu nay DN Đà Nẵng chủ yếu tìm kiếm cơ hội hợp tác tại địa phương trong khi nhu cầu thị trường trong nước lại rất lớn. Vì vậy, việc mở rộng thị trường kết nối cung - cầu sẽ đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, giúp hàng hóa của Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành khác trụ vững trong các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn”, ông Lữ Bằng nói.

Theo Sở Công thương Đà Nẵng, để đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu đi vào chiều sâu, các DN địa phương không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp cận hệ thống phân phối mà cần chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt phải chú trọng xây dựng thương hiệu để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa.

Tuy nhiên, chỉ đầu tư về chất lượng sản phẩm thôi là chưa đủ, làm sao để DN trụ vững trong môi trường cạnh tranh gay gắt nếu thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất như hiện nay vẫn là bài toán khó.

Theo các DN đề xuất, vấn đề mấu chốt trong hoạt động kết nối cung - cầu là ngành Công thương thành phố nên tìm kiếm sự hợp tác 3 bên gồm ngân hàng - nhà phân phối - DN sản xuất... nhằm hỗ trợ các DN có tiềm năng, thế mạnh hơn phát triển sản xuất, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu thị trường tại địa phương cũng như trong nước.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

.