Kinh tế

Xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ: Còn lắm gian nan

Bài cuối: Xử lý khó khăn

07:41, 15/07/2015 (GMT+7)

Hiện nay, việc điều tra, phát hiện, truy thu hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) rất tốn kém và phức tạp. Số tiền xử phạt cũng chỉ bằng hoặc vừa đủ bù lại kinh phí để cơ quan chức năng giám định hàng hóa. Trong khi đó, những bất cập về quy định quản lý cũng đang làm cho vi phạm SHTT ngày càng gia tăng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa. Ảnh: HOÀNG HÂN
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa. Ảnh: HOÀNG HÂN

Mức phạt còn nhẹ

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay, Chi cục đã xử phạt gần 525 triệu đồng về các vụ vi phạm quyền SHTT, tịch thu và tiêu hủy nhiều đơn vị hàng hóa. Tuy nhiên, số tiền xử phạt trên chưa thực sự phản ánh đúng những thiệt hại mà vi phạm quyền SHTT gây ra.

Theo quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với doanh nghiệp (DN) là 500 triệu đồng, cá nhân là 250 triệu đồng; tuy nhiên, với tình hình vi phạm quyền SHTT ngày càng gia tăng như hiện nay thì mức xử phạt trên vẫn còn quá nhẹ.

“Chúng ta đã có nhiều luật và nghị định của Chính phủ quy định về vấn đề xử phạt vi phạm quyền SHTT. Song, việc áp dụng những luật và nghị định này vẫn chưa phát huy hiệu quả”, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết.

Theo đại diện Cục SHTT Việt Nam, hiện nay, việc thực thi quyền SHTT được tiến hành bằng 3 biện pháp chủ yếu, gồm hình sự, dân sự và xử phạt hành chính. Trong khi tình hình hàng giả, hàng nhái lại không giảm thì việc khiếu kiện ra tòa án dân sự hầu như ít DN mặn mà.

Trong số 95 vụ xâm phạm SHTT Chi cục QLTT xử lý từ đầu năm đến nay, chỉ có duy nhất 1 vụ đang bị khởi tố, còn lại DN hầu như thờ ơ với chính sản phẩm của DN mình bị làm giả, làm nhái. Một DN sản xuất bánh kẹo tại Đà Nẵng cho hay, do khâu kiểm tra, khiếu nại, xét xử ở tòa án đối với tội phạm hàng giả, hàng nhái rất mất thời gian nên DN thường yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính. Đây cũng là lý do khiến vai trò của Tòa án trong việc thực thi quyền SHTT còn hạn chế.

Chồng chéo trong khâu xử lý

Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 về việc đẩy mạnh hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Theo ông Lê Thế Bảo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, nhưng các cấp chính quyền, lực lượng thực thi chưa làm hết trách nhiệm của mình. Ngoài ra, bản thân các cán bộ chuyên trách xử lý vi phạm năng lực còn yếu nên thường phải yêu cầu có ý kiến chuyên môn của Cục SHTT trong việc đánh giá hành vi, mức độ vi phạm.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các vụ vi phạm quyền SHTT gia tăng là do các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT chủ yếu bị xử lý bằng biện pháp hành chính nên chưa có tính răn đe mạnh mẽ.

Theo quy định của Luật SHTT, hiện nay Việt Nam có 6 cơ quan tham gia xử lý vi phạm quyền SHTT, gồm Hải quan, QLTT, UBND cấp huyện trở lên, Cảnh sát Kinh tế, Tòa án dân sự và Tòa án nhân dân các cấp. Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định rõ nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo trong khâu xử lý vi phạm SHTT.

Việc có nhiều cơ quan chức năng cùng xử lý, trong khi sự phối hợp chưa chặt chẽ khiến hiệu lực thi hành bị phân tán, phức tạp. Điều này khiến các chủ thể quyền SHTT lúng túng và ngần ngại khi muốn liên hệ để bảo vệ SHTT cho DN mình. “Nhiều DN băn khoăn trong việc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền phù hợp. Chỉ khi nào xâm phạm SHTT xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thì DN mới chịu “gõ cửa” các cơ quan chức năng”, đại diện một DN chia sẻ.

Trong bối cảnh nền kinh tế mở như hiện nay, các DN phải tự xác lập uy tín và thương hiệu của mình mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Hàng giả, hàng nhái đang ngày càng “lên ngôi” nên các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp thực thi quyền SHTT, góp phần thể chế hóa pháp luật SHTT vào cuộc sống, lành mạnh hóa môi trường sản suất, kinh doanh.

Tăng cường tuyên truyền về sở hữu trí tuệ

Theo Sở KH&CN, thời gian tới, sở sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về SHTT; thiết lập kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thành viên; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT. Ngoài ra, sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường kết nối với các cơ quan thành viên đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT cho đội ngũ cán bộ và công dân; tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, DN trên địa bàn tiếp cận các thông tin, chính sách, pháp luật SHTT, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Hoàng Hân - Thanh Tình

.