Kinh tế

Ngành Công thương: Khó đáp ứng yêu cầu từ cơ sở

07:35, 07/08/2015 (GMT+7)

Thời gian gần đây, sự phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ của Sở Công thương đối với các quận, huyện có chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực khuyến công, xây dựng chợ văn minh và hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng nông sản...

Cơ sở sản xuất sản phẩm bằng  gỗ nổi tiếng này chỉ có thể giới thiệu sản phẩm ở Hội chợ do thành phố tổ chức với điều kiện được hỗ trợ một phần tiền mặt bằng.
Cơ sở sản xuất sản phẩm bằng gỗ nổi tiếng này chỉ có thể giới thiệu sản phẩm ở Hội chợ do thành phố tổ chức với điều kiện được hỗ trợ một phần tiền mặt bằng.

Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên sự hỗ trợ của sở đối với các quận, huyện còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và kiến nghị... chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ sở.

Thiếu vốn và thông tin

Hiện nay, trên 90% doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng để đầu tư sản xuất. Ngay cả các DN tham gia sản xuất hàng lưu niệm du lịch do thành phố phát động, dù nhận được tiền hỗ trợ, được chấp nhận tham gia chương trình hỗ trợ, nhưng cũng rất khó khăn. Do đó, đây luôn là kiến nghị hàng đầu của các DN tham gia sản xuất hàng lưu niệm du lịch, mỗi khi có cuộc họp do Sở Công thương tổ chức.

Thực tế, có rất nhiều ý tưởng hay của các cá nhân, nghệ nhân, DN về sản xuất hàng lưu niệm du lịch nhưng không thực hiện được vì thiếu vốn. Sở Công thương ủng hộ các DN, các nghệ nhân có ý tưởng chỉ là ghi nhận, chia sẻ, động viên và kiến nghị với UBND thành phố.

Đối với các cơ sở sản xuất mang tính tự phát, ra đời dựa trên cơ sở thế mạnh của nghề truyền thống gia đình, của nhóm cổ đông về vốn... thì lại thiếu thông tin, không nắm được định hướng, quy hoạch chung của ngành, của thành phố, nên rất dễ đổ vỡ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN vừa khánh thành đã nhanh chóng phải đóng cửa, với nhiều hậu quả, hệ lụy khác.

Trường hợp cơ sở sản xuất nước rửa chén ở huyện Hòa Vang là một ví dụ. Cơ sở này khai trương năm 2013, hoạt động được đúng 2 tháng thì đóng cửa, nguyên nhân do hàng hóa không tiêu thụ được. Sâu xa hơn là do DN này không đủ vốn để đầu tư công nghệ mới, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với thị trường.

Chỉ có kiến nghị

Tại cuộc họp giao ban về công tác phối hợp giữa Sở Công thương với các quận, huyện vừa qua, các địa phương kiến nghị 4 nhóm vấn đề đề nghị sở hỗ trợ, thì cả 4 nhóm vấn đề này chỉ hỗ trợ được ở mức kiến nghị với Bộ Công thương, thành phố và chờ! Điều đó có nghĩa là quận, huyện và DN phải chờ, còn chờ đến bao giờ và thời gian bao lâu thì không ai khẳng định được.

Chẳng hạn nhóm vấn đề cơ chế, chính sách, theo đề nghị của Phòng Kinh tế, Kinh tế và hạ tầng các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sở Công thương nên có hướng dẫn cụ thể trong việc phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công thương, nhất là thu phí cấp phép. Sở Công thương có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn việc phân cấp cho quận, huyện đối với hộ đăng ký kinh doanh, hộ không có đăng ký kinh doanh và bán hàng rong theo hướng hộ có đăng ký kinh doanh qua quận, huyện thì cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hộ không đăng ký kinh doanh và bán hàng rong thì chỉ xác nhận bản cam kết… Khi nào có văn bản của Bộ Công thương hoặc thành phố thì các đề nghị của quận, huyện mới thực hiện được.

Hoặc như nhóm vấn đề do các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà đề xuất hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, quản lý chợ cho cán bộ làm công tác quản lý chợ và tiểu thương, công tác kiểm tra rượu, thuốc lá cho cán bộ phòng Kinh tế tại các quận làm công tác cấp phép..., 

Sở Công thương chỉ có thể trả lời:  Riêng đối với việc hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về văn minh thương mại cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ, đề nghị Phòng Kinh tế/Kinh tế và hạ tầng các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và gửi về Sở Công thương (thông qua Phòng Quản lý thương mại) để xem xét, hỗ trợ. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố cấp cho hoạt động này rất ít, nên sở chỉ có thể hỗ trợ việc cung cấp nội dung tài liệu, giới thiệu báo cáo viên; các Phòng Kinh tế/Kinh tế và hạ tầng các quận, huyện cần chủ động trong việc bố trí địa điểm, mời tiểu thương tham dự và các chi phí khác liên quan.

Song, để ra được những kiến nghị với Bộ Công thương, với UBND thành phố, Sở Công thương cũng đã phải nỗ lực rất lớn. Vì vậy, để sự phối hợp giữa Sở Công thương và Phòng Kinh tế/Kinh tế và hạ tầng các quận, huyện được hiệu quả hơn cần có sự phân cấp sâu hơn, cũng như việc bố trí ngân sách, đặc biệt là những chi phí về tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng dẫn thông tin cho quận, huyện, cho DN về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước, của thành phố để các quận, huyện và các DN có định hướng phát triển phù hợp.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

.