Kinh tế

CHÀO MỪNG NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13-10)

Cộng đồng doanh nhân với thành phố khởi nghiệp

07:26, 13/10/2015 (GMT+7)

Báo Tuổi trẻ ra ngày 9-10-2015 đã đăng bài viết “Năng suất lao động Việt Nam: Nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan” trích số liệu từ Báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư trình chính phủ.

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quốc gia, địa phương. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quốc gia, địa phương. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo bài báo này, trong giai đoạn 10 năm từ 2005 - 2014, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 3,7%/năm, và giả định các nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân như giai đoạn này thì phải đến năm 2069 - tức là hơn nửa thế kỷ nữa Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

Nguyên nhân chính là tỷ trọng lao động trong khu vực nông - lâm -ngư nghiệp còn khá cao (46%) nhưng chỉ tạo ra 18,1% GDP; trong khi đó, cả nước chỉ có 9,6 triệu người được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật (từ 3 tháng trở lên) trong tổng số 52,7 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm năm 2014. Như vậy, có đến 81,8% tổng số lao động đang có việc làm chưa được đào tạo trình độ chuyên môn sơ cấp! Và theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu lao động và xã hội, đến cuối quý I năm 2015, cả nước có gần 178.000 cử nhân và thạc sỹ, gần 100.000 người tốt nghiệp cao đẳng đang thất nghiệp, lần lượt tăng 10% và hơn 26% so cùng kỳ năm 2014.

Đối chiếu 2 thông tin trên sẽ thấy một điều cực kỳ mâu thuẫn đang xảy ra trên đất nước ta: người đang có việc làm thì không được đào tạo (chủ yếu là nông dân), trong khi người đã được đào tạo trình độ cao lại thất nghiệp với tốc độ ngày càng tăng! Thực trạng này tất yếu dẫn đến kết quả như nêu trên: năng suất lao động của Việt Nam xếp vào nhóm thấp nhất các nước ASEAN. Theo tôi, nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do nền kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế của nước ta chưa tạo được một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, hoạt động khởi nghiệp chưa được đầu tư, phát triển đúng hướng.

Doanh nghiệp là nơi kết hợp giữa sức lao động, công nghệ và tiền vốn để tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội, tạo ra tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong bất cứ quốc gia nào, để nền kinh tế ngày càng mở rộng và phát triển, thu hút được nhiều việc làm cho người dân thì phải có một cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Điều kiện để một cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trước hết, cần phải có chính sách cởi mở, thân thiện giữa chính quyền với doanh nghiệp, sự tin cậy giữa lãnh đạo, công chức Nhà nước và doanh nhân. Thứ hai, cần có chính sách khuyến khích người dân và mọi thành phần xã hội dành nguồn lực để đầu tư phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện để Cộng đồng khởi nghiệp ngày càng phát triển bền vững. Thứ ba, quan trọng hơn cả là mọi người dân, đặc biệt là thanh niên, cần có sự nhận thức mới: dùng tri thức, trí tuệ của mình để khởi sự doanh nghiệp, tạo cơ hội tự làm chủ chứ không cam chịu cứ mãi đi “làm thuê” - dù là làm thuê cho Nhà nước.

Cộng đồng khởi nghiệp hiện nay có nhiều mô hình nhưng tựu trung bao gồm các thành phần là chính quyền, trường đại học, nhà đầu tư, nhà tư vấn, các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty lớn đã thành danh, nhà cung cấp dịch vụ khởi nghiệp, giới truyền thông và các doanh nhân – trái tim của cộng đồng khởi nghiệp. Khi cộng đồng khởi nghiệp đã đi vào guồng máy hoạt động với sự liên kết, tương tác chặt chẽ cùng nhau sẽ tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp cụ thể ở một thành phố, một địa phương. Ngoài ra, các nguồn tài nguyên như kỹ năng, tiền bạc và thời gian cũng là những thành phần thiết yếu của một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, sự phát triển kinh tế-xã hội từ  tiến bộ khoa học-công nghệ, các phát minh, sáng chế… chỉ được thực hiện bởi Cộng đồng khởi nghiệp mạnh - đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và bởi những người trẻ tuổi – những người năng động, sáng tạo, có đủ quỹ thời gian để làm lại từ đầu khi bị thất bại - không chỉ thất bại một vài lần mà có thể nhiều lần. Cộng đồng là một tổ chức để tập hợp và huy động các nguồn lực  xã hội: ví dụ như tập hợp và chọn lọc các phát minh, ý tưởng sáng tạo, mời gọi các quỹ đầu tư, phát triển các cơ sở R&D của các tập đoàn, các công ty lớn, trường đại học…

Bằng cách đó, một ý tưởng sáng tạo, một phát minh sẽ sớm được các nhà đầu tư chọn đưa vào thử nghiệm, sản xuất thử thành công tại các phòng thí nghiệm, các vườn ươm. Từ đó có thể cho ra đời các sản phẩm, hàng hóa mới cùng với sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp với các chủ nhân là những người nuôi dưỡng ra ý tưởng sáng tạo đó. Để thực hiện được quy trình với sự liên kết chặt chẽ như vậy, Cộng đồng khởi nghiệp cần được điều hành bởi một cơ quan điều phối chung (như một hội đồng) của một địa phương, một thành phố.

Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp này có mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy tiến trình liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các thành viên trong Cộng đồng khởi nghiệp nhằm phát triển hoạt động khởi nghiệp cả về quy mô và hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ ra đời với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với việc ra đời tự phát. Mặt khác, các nhà tư vấn trong Hội đồng sẽ hỗ trợ về các kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho những người khởi nghiệp trẻ, họ không phải mày mò vừa làm vừa học kinh nghiệm, gặp rất nhiều bất trắc, rủi ro.

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quốc gia, địa phương. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quốc gia, địa phương. Ảnh: KHÁNH HÒA

Lực lượng có tính quyết định trong hoạt động khởi nghiệp là thanh niên. Họ vừa là động lực vừa là mục tiêu của công cuộc khởi nghiệp. Hơn thế nữa, tôi muốn nâng phong trào này lên mức độ cao hơn, đó là: “Cuộc cách mạng khởi nghiệp của thanh niên”, ít nhất vì hai khía cạnh quan trọng sau:

+ Để có một xã hội khởi nghiệp thành công thì trước hết cần tạo ra một nền văn hóa khởi nghiệp mà chúng ta chưa thật sự có. Đó là tinh thần doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp được phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội, mọi người đều xem khởi nghiệp là sự nghiệp của từng cá nhân và của toàn xã hội. Đó còn là văn hóa chấp nhận thất bại, xem thất bại là tự nhiên và cần thiết của quá trình khởi nghiệp. Thất bại chính là kinh nghiệm tốt để thành công.

Đó còn là xây dựng một nền giáo dục khởi nghiệp xuyên suốt từ phổ thông đến đại học, giúp cho thanh thiếu niên thay đổi cơ bản nhận thức tự mình tạo ra việc làm cho mình và cho xã hội bằng kỹ năng, chuyên môn đã được đào tạo. Từ đó xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của tuổi trẻ là đứng ở tuyến đầu của cuộc cách mạng khởi nghiệp.

+ Xưa nay, trong xã hội Việt Nam vẫn còn quan niệm “thương nhân đa trá” tức là làm nghề kinh doanh thường có nhiều mánh khóe, gian lận. Vì vậy, ông cha ta luôn muốn con cháu học hành thành tài và để làm việc quan, việc nước. Vào làm việc ở cơ quan Nhà nước luôn là vị trí vẻ vang hàng đầu; kế đến mới là nghề làm thầy: “tiến vị quan thoái vị sư”.

Nhiều bậc cha mẹ thời nay vẫn còn muốn con cháu mình nếu không được làm ở cơ quan Nhà nước thì cũng xin làm ở doanh nghiệp Nhà nước, vì cho rằng doanh nghiệp Nhà nước dù sao vẫn “oai” hơn doanh nghiệp các thành phần khác. Việc đổi mới nếp nghĩ lạc hậu này để thanh thiếu niên có ham muốn được khởi nghiệp, coi đó là sự nghiệp vẻ vang của mình thì phải làm một cuộc cách mạng thật sự về tư duy.

Khi đọc tác phẩm “Quốc gia khởi nghiệp - Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel”, tôi vô cùng thú vị khi thấy ông Shimon Peres là một người Israel nổi tiếng thế giới, từng đoạt giải Nobel Hòa bình và 2 lần giữ chức vụ Thủ tướng (và sau này là Tổng thống), tuy đã ở tuổi 83 nhưng vào đầu năm 2007, ông đã tổ chức cuộc gặp với CEO của 5 hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới để thuyết phục họ kế hoạch sản xuất loại xe hơi chạy bằng điện – ý tưởng của Shai Agassi, CEO của một công ty Đức – mà cho đến lúc đó mọi người đều cho là ý tưởng ngây thơ.

Nhưng ý tưởng của anh đã được vị cựu Thủ tướng tin rằng: “Chỉ cần một quốc gia không cần đến dầu mỏ, cả thế giới sẽ học theo. Và điều đầu tiên là phải có những chiếc xe hơi không chạy bằng xăng”. Trước đó, ông Peres đã có 50 cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của chính phủ và ngành công nghiệp hàng đầu Israel, bao gồm cả Thủ tướng. Cuối cùng là cuộc gặp quan trọng hơn cả với 5 nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, nhưng chỉ có 1 CEO đến và để chứng minh với ông ý tưởng xe hơi không dùng xăng là điên rồ. Tuy nhiên, cuối cùng, bằng niềm tin và thái độ thuyết phục mạnh mẽ, ông Peres đã làm cho vị đại diện của công ty Renault - Nissan của Nhật Bản đồng ý Israel sẽ được chọn làm thí điểm cho dự án. Hiện nay, xe hơi chạy bằng điện đang phát triển ngày càng rộng rãi trên thế giới với các ưu điểm: sử dụng một phương tiện sạch với môi trường và chi phí rẻ hơn chạy bằng xăng.

Câu chuyện này giúp chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Trước hết, người lãnh đạo cũng cần có những nhạy cảm tinh tế trước các ý tưởng mới của doanh nhân và không ngần ngại làm những điều rất cụ thể, thậm chí những việc chưa chắc đã thành công, có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của mình. Tôi cũng tin rằng sẽ đến một ngày, đất nước ta sẽ có nhiều doanh nhân khởi nghiệp như vậy, cũng như nhiều nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của đất nước như vậy.

Bây giờ nói về thành phố chúng ta, với quy mô dân số một triệu người, hơn 1.200 km2, thu ngân sách mỗi năm từ thuế khoảng 10.000 tỷ đồng… Nếu làm một phép so sánh thì tất cả chỉ tiêu nằm trong khoảng 1 - 1,5% so với quy mô của cả nước. Như vậy, đóng góp của thành phố cho cả nước cũng còn rất khiêm tốn. Hiện nay, bình quân hằng năm, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề của thành phố đào tạo ra trường khoảng 10.000-20.000 sinh viên, kỹ thuật viên, công nhân các ngành nghề, kể cả hệ vừa học vừa làm.

Trong khi đó, thành phố chỉ có hơn 15.000 doanh nghiệp còn đang hoạt động, với 76% là doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động) và nếu tính chung thì doanh nghiệp nhỏ chiếm đến 98-99%. Rõ ràng, nguồn cung nhân lực dồi dào như vậy nhưng nhu cầu lao động với quy mô rất nhỏ và chậm phát triển (bình quân trong 5 năm qua chỉ tăng khoảng 5.000 doanh nghiệp).

Đa phần sinh viên các địa phương khác khi học xong thường muốn ở lại thành phố để lập nghiệp, nên số lượng thanh niên thất nghiệp và bán thất nghiệp đã và sẽ tiếp tục tăng lên nhiều. Chính thực trạng này sẽ là nỗi bất an của lao động trẻ và toàn xã hội, nếu chúng ta không có giải pháp thật sự căn cơ để huy động được nguồn lực trí tuệ này vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Để có lời giải cho bài toán này, thành phố chúng ta cần phải chọn giải pháp xây dựng thành phố khởi nghiệp. Đó là tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia khởi sự doanh nghiệp với sự giúp đỡ của chính quyền và Cộng đồng khởi nghiệp của thành phố.

Hiện nay, Cộng đồng khởi nghiệp của thành phố đang được hình thành, các hiệp hội, hội doanh nghiệp đã từng bước hoạt động hiệu quả, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công và đang trưởng thành; các doanh nghiệp mới khởi nghiệp (start-up) đang được ươm tạo bởi một số nhà tài trợ, các hiệp hội, các quỹ khởi nghiệp quốc tế… Về phía chính quyền, đã có chủ trương, chính sách để phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó đã có kế hoạch cho phong trào khởi nghiệp, trước mắt tập trung vào những nội dung chủ yếu là:

1. Thành lập Vườn ươm doanh nghiệp của thành phố, các câu lạc bộ (CLB) ươm tạo công nghệ cao, công nghệ thông tin, CLB khởi nghiệp các trường đại học… nhằm thu hút tất cả các nhóm, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp để tổ chức ươm tạo, giúp họ thử nghiệm sản xuất ra sản phẩm, xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp.

2. Thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố theo phương thức xã hội hóa, bao gồm vốn đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và vốn góp của các doanh nghiệp có nhiệt huyết xây dựng phong trào khởi nghiệp. Quỹ sẽ đầu tư cho vườn ươm thành phố và các vườn ươm khác, đầu tư cho quá trình đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp thử nghiệm; đầu tư thành lập các doanh nghiệp mới khởi nghiệp…

3. Thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố. Hội đồng sẽ tập hợp các sở, ngành liên quan đến doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp thành công, các quỹ đầu tư, các vườn ươm, CLB ươm tạo, khởi nghiệp… nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho sự nghiệp khởi nghiệp của thành phố

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, tôi tin tưởng các doanh nhân, doanh nghiệp thành phố sẽ đồng lòng cùng nhau xây dựng một Cộng đồng khởi nghiệp thành công, vì mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố khởi nghiệp trong những năm đến.

VÕ DUY KHƯƠNG

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng

.