Kinh tế

TPP: Cơ hội tăng xuất khẩu sản phẩm chủ lực

07:35, 31/10/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Trong 10 năm tới, Hiệp định thương mại tự do (TPP) sẽ làm tăng thêm 28%  giá trị xuất khẩu cho Việt Nam, tăng 10,5% giá trị GDP.

Cơ hội từ TPP đêm lại sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của thành phố, trong đó có dệt may
Cơ hội do TPP đem lại sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của thành phố, trong đó có dệt may.

Đối với Đà Nẵng, cơ hội thụ hưởng từ TPP đó là tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của thành phố, tăng mạnh nguồn vốn đầu tư FDI; mở ra cơ hội để thành phố phát triển mạnh các dịch vụ logistic…

Đó là nhận định của các chuyên gia đến từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Vietnam) tại Hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương: Tác động về thu hút đầu tư và phát triển thương mại đối với địa phương và doanh nghiệp” được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 30-10.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, với vai trò hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, song năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng còn chưa phát triển, công nghệ chưa tiên tiến, kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng và chịu nhiều tác động do nhu cầu thị trường thế giới giảm, sự bất ổn của đồng EURO, USD.

TPP sẽ là một cơ hội hấp dẫn nhưng cũng là thách thức lớn đối với DN địa phương. Tiến trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua TPP không còn xa nên đòi hỏi các cơ quan, DN, tổ chức trên địa bàn thành phố phải tự chuẩn bị để đón nhận cơ hội cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại này.

Về những tác động của TPP đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam nhấn mạnh: Lợi ích then chốt của TPP đối với Việt Nam, đó là kết nối mạnh hơn với chuỗi cung ứng quốc tế và động lực để cải cách hành chính, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra cơ hội. Song đó cũng là một thách thức đối với Việt Nam khi DN FDI chiếm tới 70% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Để gia tăng thị phần xuất khẩu trong chuỗi cung ứng quốc tế, DN Việt Nam cần năng động, cải thiện nhiều hơn để trở thành nhà cung cấp đạt “chuẩn” cho thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu. Các DN địa phương cũng như DN vốn đầu tư nước ngoài có thể khai thác hiệu quả nhất lợi ích do TPP mang lại cũng như tăng cường thu hút dự án đầu tư và phát triển thương mại thành phố trong thời gian tới.

Về phía chính quyền, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Về phía DN, phải hiểu những cam kết trong TPP, nắm rõ lộ trình TPP mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ để từ đó có những ý tưởng mới, phù hợp và tận dụng được các ưu đãi mà TPP tạo ra.

Nếu không làm ngay từ bây giờ thì mọi nỗ lực đàm phán của Chính phủ chỉ để làm giàu cho khối kinh tế FDI. Khối này hiện đang chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Tiến trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua Hiệp định TPP không còn xa nên đòi hỏi các cơ quan, DN, tổ chức phải tự chuẩn bị để đón nhận cơ hội cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia vào hiệp định này.

Tin và ảnh: Duyên Anh

.