Kinh tế

Cần cơ cấu nguồn điện đa dạng và hiệu quả hơn

08:04, 05/11/2015 (GMT+7)

Ngày 4-11, tại Đà Nẵng, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị năng lượng với chủ đề “Định hướng phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Hội nghị có sự tham gia Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Axel van Trotsenburg, Giám đốc cao cấp Năng lượng và Khai khoáng Anita Marangoly George cùng các chuyên gia đầu ngành về năng lượng, đại diện các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết: “Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó cùng những nỗ lực không ngừng của toàn ngành điện, hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với chất lượng và độ tin cậy ngày càng được cải thiện, nâng cao”.

Kể từ năm 1990 đến nay, người dân được cấp điện đã tăng lên 7 lần, từ 54% lên 98%. Trong đó, 10 triệu hộ dân (tương đương với 40 triệu người) ở nông thôn đã có điện. Nhờ đó, khoảng cách về tiêu thụ điện giữa Việt Nam với các nước trong khu vực đã được thu hẹp. Năm 1995, sản lượng điện bình quân đầu người của Việt Nam bằng 62% điện bình quân đầu người của các nước ASEAN. Đến năm 2013 đã đạt bằng các nước ASEAN (Việt Nam bình quân 1.412 kWh/người, ASEAN là 1.419kWh/người). Năm 2015, điện bình quân đầu người ở Việt Nam đạt gần 1.600kWh/người. Rất ít nước trên thế giới có thể đạt được điều này trong một thời gian ngắn và với địa hình khó khăn như Việt Nam.

Ông Axel van Trotsenburg bày tỏ: Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp tiếp cận điện cho người dân, đến nay, 98% dân số có điện. Tiếp cận điện năng đã song hành với cải thiện hiệu quả vận hành và chất lượng dịch vụ. Song, vấn đề chính hiện nay, làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu trong tương lai, khi cùng lúc phải tuân thủ những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Việt Nam có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao trong tổng cơ cấu phát điện, riêng thủy điện chiếm 42% tổng công suất phát điện, cao hơn nhiều nước trên thế giới. Các tham luận tại hội nghị đã làm nổi bật việc Việt Nam có thể phát triển hơn nữa các tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, kể cả khi khai thác tốt tiềm năng năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai. Vì vậy, cần một cơ cấu nguồn điện đa dạng hơn và hiệu quả cao hơn để đáp ứng nhu cầu về điện trong tương lai.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế, nhưng ít phát thải carbon (gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường). Làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế mà không cần tăng phát thải khí carbon.

Theo báo cáo có tựa đề “Khảo sát con đường phát triển ít phát thải carbon cho Việt Nam”, được phát hành tại hội nghị, dự đoán kịch bản tăng trưởng ít phát thải carbon sẽ không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và thậm chí về lâu dài có thể thúc đẩy tăng trưởng. Kết luận của báo cáo được đưa ra dựa vào cơ sở tăng trưởng và môi trường sạch sẽ được thực hiện đồng thời và có thể hỗ trợ lẫn nhau trong tương lai.

Để đáp ứng nhu cầu về điện cho tương lai, Việt Nam cần khai thác nhiều nguồn năng lượng khác nhau bao gồm than, khí thiên nhiên, gió, mặt trời và thủy điện, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện bền vững, tin cậy và giá cả hợp lý. Việt Nam cũng cần cân nhắc việc tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường mua bán điện trong khu vực, do nhu cầu điện sẽ tăng trưởng bình quân 7-10% mỗi năm, từ nay đến năm 2030. Vì vậy, ngành Điện cần đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá bán buôn điện (năm 2016) và tiến tới thị trường hóa giá bán lẻ điện vào năm 2030. Đây là những giải pháp hàng đầu để thu hút đầu tư vào ngành điện.

Đức Thịnh

.