Kinh tế

Lao động nữ chịu thiệt thòi

08:23, 14/12/2015 (GMT+7)

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách dành cho lao động nữ nhưng ở một vài nơi hiện nay, quyền lợi của lao động nữ vẫn chưa được bảo đảm, nhiều lao động nữ vẫn khó khăn trong tìm việc làm.

Lao động nữ cần được bảo đảm các chế độ riêng theo quy định. (Ảnh mang tính minh họa)
Lao động nữ cần được bảo đảm các chế độ riêng theo quy định. (Ảnh mang tính minh họa)

Nghỉ sinh là... nghỉ việc

Đứng tần ngần một hồi bên bảng thông báo tuyển dụng nhân sự của các đơn vị tại phiên giao dịch việc làm ngày 10-11 vừa qua ở số 21 Phan Châu Trinh, chị Nguyễn Thị Hoài Thu (30 tuổi, quê Quảng Nam) thổ lộ: Trước kia, chị làm việc tại một khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

Chị kết hôn, có thai và xin nghỉ 6 tháng để về quê sinh em bé. Sau 6 tháng, chị trở lại khách sạn, mặc dù chưa hết hợp đồng lao động nhưng đã có người “thế” chỗ chị. Khi chị thắc mắc thì được đơn vị này “bồi thường” 1 triệu đồng để… thu xếp tìm việc khác. “Tôi phải gửi con cho ông bà nội ở quê để ra Đà Nẵng tìm việc khác, nhưng sao thấy khó quá!”, chị Thu than thở.

Mất việc khi nghỉ sinh là chuyện không phải của riêng chị Thu. Chị Lê Thị Na (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng chấp nhận mất việc khi đang làm công nhân cho một công ty sản xuất đồ chơi ở quận Liên Chiểu. Trong khi đó, Luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ khi đang có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Đối với những người may mắn hơn khi tìm được công việc mới tại doanh nghiệp khác thì lại gặp những khó khăn riêng.

“Mình phải tranh thủ nghỉ buổi trưa về cho con bú rồi buổi chiều đi làm chứ không được ưu tiên gì”, chị M.T (27 tuổi, quê Nghệ An), công nhân tại khu công nghiệp An Đồn thổ lộ. Khi được hỏi có biết quy định lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú không, chị T. bảo không biết, cũng không thấy công ty triển khai việc này.

Tháng 10 vừa qua, Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Theo đó, các đơn vị phải cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động...

Nghị định quy định lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày/tháng, thời gian nghỉ này vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động...

Tuy nhiên, theo một cán bộ ngành LĐ-TB&XH, hầu hết doanh nghiệp rất ít thực hiện chế độ cho lao động nữ nghỉ 30 phút trong thời gian kinh nguyệt, hoặc nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc khi có con dưới 12 tháng tuổi vì sợ ảnh hưởng dây chuyền sản xuất kinh doanh.

Thu nhập thấp

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 9.000 doanh nghiệp, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp hơn 200.000 người. Trong đó, nữ chiếm 55%; số đơn vị sử dụng lao động nữ từ 30% trở lên thuộc các ngành như: công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thủy sản…

Tuy nhiên, tại nhiều phiên giao dịch việc làm, lao động nữ mặc dù được đánh giá là chăm chỉ, có khả năng thích ứng nhanh không hề thua kém nam giới nhưng hầu hết họ chỉ được giới thiệu việc ở những nghề giản đơn như: may mặc, chế biến thủy sản, kinh doanh mỹ phẩm, nhân viên trực điện thoại...

Làm việc ở công ty cả ngày, tối đến còn phải tăng ca. Công việc quá áp lực, con còn nhỏ nên tôi đành phải nghỉ việc”, chị Lê Thị Trang (33 tuổi, ở quận Liên Chiểu), trước đây làm công nhân tại một công ty lắp ráp đồ chơi điện tử ở khu công nghiệp Hòa Khánh với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, cho biết.

Thực tế hiện nay, mức lương của lao động nữ làm việc trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất đồ chơi... - những ngành thường sử dụng lao động nữ với số lượng lớn - thấp hơn so với một số ngành nghề công nghiệp khác.

Trong khi đó, cường độ làm việc của người lao động ở những ngành nghề này khá cao, nên mức trả lương chưa tương xứng với giá trị lao động và điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của lao động nữ.

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương của lao động nữ hiện nay thấp hơn hẳn so với lao động nam. Ở các nhóm trình độ càng thấp, mức độ chênh lệch tiền lương giữa nữ và nam càng cao. Đối với các nhóm không có bằng cấp, tiền lương bình quân hằng tháng của nữ chỉ bằng 72% so với nam. Kết quả nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, phụ nữ khó khăn hơn nam giới trong việc tiếp cận với giáo dục đào tạo, lựa chọn ngành nghề và cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. 

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.