Kinh tế

Nghề công nghệ ô-tô lên ngôi

08:27, 14/12/2015 (GMT+7)

Nghề công nghệ ô-tô đang được nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng chọn học bởi dễ tìm việc và có mức thu nhập hấp dẫn.

Nghề công nghệ ô-tô được nhiều bạn trẻ lựa chọn tại Đà Nẵng.
Nghề công nghệ ô-tô được nhiều bạn trẻ lựa chọn tại Đà Nẵng.

Đua nhau theo học

Đây là năm thứ 3 Dương Trường Thọ (20 tuổi, học viên lớp 13CK1A, khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng) theo học nghề công nghệ ô-tô. “Bạn bè em theo học nghề này nhiều lắm. Mấy anh chị mà em quen biết học nghề này ra trường đều có việc làm.

Bản thân em cũng thích học nghề này, thích nhất là phần sửa chữa hệ thống điện cho ô-tô”, Thọ thổ lộ và cho biết thêm, học nghề này cần có sức khỏe tốt, đặc biệt là mắt tinh, tai thính, tay không bị run vì các chi tiết trên ô-tô rất phức tạp, khi chỉnh sửa đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.

Theo Thọ, nếu người thợ có tay nghề giỏi và tinh tường thì chỉ cần ngửi khói khi xe bị hỏng là có thể “chẩn” bệnh ban đầu cho xe, từ đó việc sửa chữa dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Còn với Đoàn Kim Ngân (20 tuổi, học viên lớp 13CK1A, khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng), nghề công nghệ ô-tô là niềm đam mê.

“Em thích học nghề này bởi nó rèn luyện cho mình tính kiên trì, bền bỉ, chịu khó. Em nghĩ rằng, chỉ cần người thợ nắm vững nguyên lý hoạt động, cấu tạo thì có thể sửa chữa được động cơ, động cơ mạnh thì xe chạy tốt”, Ngân nói.

Hiện tại, Ngân biết nhiều nơi tuyển với mức thu nhập hấp dẫn nhưng Ngân chưa nộp đơn mà tập trung vào việc học để có kết quả tốt mới tính đến chuyện xin việc.

Ngoài Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có khá nhiều địa chỉ đào tạo nghề công nghệ ô-tô uy tín như: Trường Cao đẳng nghề số 5 thuộc Bộ Quốc phòng (quận Ngũ Hành Sơn), Viện Công nghệ Hà Nội (quận Cẩm Lệ), Trung tâm dạy nghề Liên Chiểu (quận Liên Chiểu)…, đáp ứng nhu cầu học ngày càng nhiều của người học.

Học viên có thể đăng ký các khóa ngắn hoặc dài hạn, thời gian đào tạo từ 5 tháng đến 2-3 năm, với nhiều ưu đãi như: chỗ ở miễn phí, miễn học phí với bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề, hỗ trợ và giảm học phí đối với con em hộ gia đình chính sách…

Nhu cầu lớn

Theo thầy Lê Minh Xuân, Trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, nghề sửa chữa ô-tô đòi hỏi người thợ phải có trình độ văn hóa tối thiểu 12/12, đồng thời có sức khỏe tốt, tác phong công nghiệp và chịu khó học hỏi.

Ngoài ra, học viên cần có tính cẩn thận, chăm chỉ bởi chỉ sai sót nhỏ thì có thể nguy hiểm đến tính mạng khi xe lưu thông trên đường. Hiện nay, tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, số lượng ô-tô tăng nhanh chóng, các garage sửa chữa ô-tô mọc lên khá nhiều, đòi hỏi nguồn nhân lực không nhỏ.

Theo khảo sát, mức thu nhập của nghề này khoảng từ 5-10 triệu đồng/tháng và có thể cao hơn với thợ có tay nghề giỏi.

Thầy Nguyễn Bê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, những năm qua, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề và phát triển những nghề mà thị trường đang có nhu cầu lớn, trong đó có nghề công nghệ ô-tô.

Năm 2010, trường chỉ có khoảng 200 học viên nhưng 2 năm trở lại đây, số học viên theo học nghề này tại trường tăng lên khoảng 300-400. Trong giai đoạn hiện nay, khoa Cơ khí của nhà trường được đầu tư trọng điểm của Chính phủ theo dự án “Tăng cường kỹ năng nghề” và dự án “Xây dựng nghề trọng điểm”, với 2 nghề đầu tư cấp độ quốc tế: nghề công nghệ ô-tô và cơ điện tử.

Đặc biệt, nghề công nghệ ô-tô đang được chọn cùng với 6 trường trên cả nước tham gia xây dựng tiêu chuẩn nghề theo dự án liên kết giữa Tổng cục Dạy nghề và Tổ chức Phát triển GD&ĐT ở nước ngoài của Vương quốc Bỉ (APEFE). Mặt khác, quy hoạch phát triển đào tạo nghề thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020 do UBND thành phố ban hành ưu tiên một số ngành nghề, trong đó có nghề công nghệ ô-tô.

Trong tháng 12-2015, Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tổ chức đánh giá kỹ năng nghề công nghệ ô-tô bậc 2/5 cấp quốc gia. “Nghề ô-tô đang được nhiều bạn trẻ chọn lựa.

Song, để có thể đáp ứng thực tế sản xuất của các doanh nghiệp, thành thạo các kỹ năng của công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, cần có tiêu chuẩn đánh giá”, ông Trần Phước Phú, Giám đốc Trung tâm này cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - PHƯỚC PHÚ

.