Kinh tế

GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN

Dệt may Đà Nẵng chủ động hội nhập

16:05, 28/01/2016 (GMT+7)

Ngành dệt may được đánh giá là một trong những lĩnh vực có những tác động lớn nhất sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác vừa được ký kết trong năm 2015 có hiệu lực, kể cả Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Vải, nhất là vải màn tuyn đã có thương hiệu trên thị trường nội địa của Công ty CP Dệt Hòa Khánh được tiêu thụ mạnh trên thị trường nội địa.
Vải, nhất là vải màn tuyn đã có thương hiệu trên thị trường nội địa của Công ty CP Dệt Hòa Khánh được tiêu thụ mạnh trên thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, khi tất cả các FTA chính thức có hiệu lực, khoảng 80% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tới Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan (bằng 0), tạo lợi thế đáng kể so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác. Song, để được hưởng lợi từ các FTA, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó, thách thức lớn nhất là phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ.

Sự khác biệt căn bản của FTA giữa Việt Nam với EU và ASEAN so với TPP là quy tắc xuất xứ. Với TPP là quy tắc xuất xứ từ sợi thì với ASEAN và  FTA giữa Việt Nam-EU lại có quy tắc xuất xứ từ vải. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội ngành dệt may Việt Nam nói chung và ngành dệt may thành phố Đà Nẵng mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, nhất là đối với thị trường ASEAN hầu như các doanh nghiệp dệt may của thành phố Đà Nẵng chưa vươn tới.

Xây dựng thương hiệu, yêu cầu cấp bách

Xác định ASEAN là thị trường đầy tiềm năng, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp của ngành dệt may thành phố đã có kế hoạch mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào ASEAN. Trên cơ sở đó, các DN đã có kế hoạch đầu tư, đối mới công nghệ để vừa đáp ứng được các yêu cầu của các hiệp định, kể cả TPP.

Đối với ASEAN và EU thì việc xây dựng thương hiệu là nhân tố quyết định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn thơ ơ với vấn đề này, chấp nhận làm thuê lâu dài, đây là nguy cơ lớn dẫn tới việc thua trên sân nhà. Song các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, hoặc Công ty CP Dệt may Hòa Khánh cơ bản đã hoàn tất việc xây dựng thương hiệu.

Hiện các sản phẩm của các đơn vị này đã có mặt trên thị trường các nước trong các khối trên với nhãn mác của chính mình, nhờ vậy mà kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm. Một số đơn vị chưa hề có sản phẩm vào EU hoặc ASEAN thời gian qua cũng đã vạch ra các chiến lược đưa hàng vào ASEAN.

Sự thành công của các sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ như nhãn mác Hotexco hay các sản phẩm của Công ty CP Dệt may 29-3 với nhãn mác Hachiba trong thời gian qua sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp này dễ dàng hội nhập với ASEAN và EU, đồng thời là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác trong việc xây dựng thương hiệu khi hội nhập.

Đổi mới công nghệ, cơ cấu lại doanh nghiệp là nhân tố quyết định

Dù vào bất cứ thị trường nào thì chất lượng sản phẩm và giá thành vẫn quyết định thành công của doanh nghiệp. Thực trạng các doanh nghiệp hiện nay là bộ máy cồng kềnh, chưa hiệu quả và công nghệ, thiết bị còn lạc hậu xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính vì thế, nhiều người lo ngại rằng nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường nội địa. Thực tế trên thị trường cho thấy, những chiếc quần, áo lót đến những mặt hàng cao cấp của các doanh nghiệp Thái Lan với giá cả không cao so với sản phẩm cùng loại doanh nghiệp Việt Nam nhưng chất lượng thì hơn hẳn và đang được người tiêu dùng lựa chọn. Đây thực sự là một nguy cơ đối với các doanh nghiệp dệt may ngay trên thị trường trong nước.

Ông Trần Văn Phổ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Hòa thọ cho biết: Các hiệp định thương mại tự do và TPP nhà nước ta ký kết và kết thúc đàm phán với các nước là cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp dệt may để phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn.

Để khai thác triệt để cơ hội lớn này, ngành dệt may nói riêng và các doanh nghiệp ở Đà Nẵng phải nhìn lại mình một cách khách quan nhằm cơ cấu lại ngành và từng doanh nghiệp để đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, phải khẩn trương đầu tư chiều sâu, nâng cấp các nhà máy sẵn có để nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến hành quy hoạch và đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA quy định. Đối với nội bộ doanh nghiệp phải đào tạo và đào lại đội ngũ cán bộ, công nhân theo hướng chuyên môn, chuyên nghiêp, văn hóa, kỷ luật (con người kỷ luật, tư tưởng kỷ luật và hành động kỷ luật).

Đặc biệt, cần quan tâm đến đội ngũ kỹ thuật, thiết kế và ngoại ngữ để chuyển đổi phương thức kinh doanh theo ODM, OBM... nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Riêng với Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ đang tích cực tái cơ cấu một cách toàn diện, tiến hành đầu tư mới và đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu mới.

Ông Phổ cho biết thêm: Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở dệt may ở khu vực miền Trung, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang nghiên cứu đầu tư trên nghìn tỷ để xây dựng cơ sở sản xuất sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, góp phần giúp các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu từ sợi trở đi của các FTA.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 cho rằng: Đây là cơ hội rất tốt. Tuy nhiên, đồng thời với việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng sẽ đầu tư vào Việt Nam để hưởng thuế xuất ưu đãi này.

Các doanh nghiệp này có nhiều thế mạnh về kỹ thuật, thiết bị và trình độ quản trị. Xu thế là kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cao, nhưng tỷ trọng lớn lại thuộc về các doanh nghiệp FDI. Nếu không có các biện pháp quản lý Nhà nước hiệu quả thì sẽ gây ra những xáo trộn về thị trường lao động và sẽ có sự dịch chuyển lao động từ các doanh nghiệp trong nước sang các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, khó có cơ hội giữ được lao động.

Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam phải có chiến lược, đứng ra xâu chuỗi các doanh nghiệp, hoặc liên kết các DN lại tạo thành một liên doanh đủ mạnh để có thể cùng nhau vượt qua các rào cản, các quy định của các FTA, nhất là Hiệp định TTP. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước muốn tồn tại, phải đầu tư công nghệ, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ và năng suất lao động cho công nhân.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

.