Kinh tế
Cá về từ Hoàng Sa
Những ngày qua, hàng trăm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung đã cập âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng sau chuyến biển xuyên Tết tại ngư trường Hoàng Sa, đem lại một mùa bội thu.
Niềm vui của ngư dân khi trúng cá lớn tại ngư trường Hoàng Sa. |
3 giờ sáng 19-2, chúng tôi có mặt tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), ghi nhận có hơn 50 tàu cá đang neo đậu để bán cá. Tại cầu cảng số 2, có gần 10 tàu cá đang hối hả bốc cá để cân cho người thu mua. Một số tàu chuyển cá vào chợ bán kiếm lời thêm chút đỉnh.
Không khí bán buôn tại cầu cảng nhộn nhịp không kém tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Để có được những chuyến tàu đầy cá từ ngư trường Hoàng Sa, các ngư dân phải gác lại niềm vui đón Tết bên gia đình, người thân để vươn khơi.
Đang hướng dẫn ngư dân bốc cá chuyển vào chợ đầu mối thủy sản, anh Huỳnh Viết (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) – thuyền trưởng, kiêm chủ tàu ĐNa 90378 cho biết, tàu anh ra khơi ngày 19 tháng Chạp với 10 lao động tại ngư trường Hoàng Sa.
Bỏ cái Tết cổ truyền đang đến sau lưng, các lao động dong thuyền ra Hoàng Sa với mong muốn sẽ thắng đậm đợt đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, thời tiết quá khắc nghiệt, biển lạnh, gió mạnh, sóng lớn nên gặp nhiều khó khăn.
Phải những ngày sau Tết mới thuận buồm, xuôi gió, những mẻ lưới đầu tiên có nhiều cá lớn. Vì vậy, gần 20 ngày tàu anh đã chở về đất liền khoảng 15 tấn cá ngừ bò và cá thu. “Nếu giá cả được như trước Tết thì chuyến biển này sẽ cho thu nhập rất khá.
Tuy nhiên, do tàu từ biển về nhiều quá nên giá cả bị hạ, vì vậy thu nhập ít hơn. Chuyến biển xuyên Tết 20 ngày cho mỗi lao động thu nhập gần 10 triệu đồng”, anh Viết cho biết.
Ra khơi cùng ngày 19 tháng chạp, sáng 19-2, tàu ĐNa 90431 của anh Võ Trận (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cũng chở về 10 tấn cá ngừ bò, cá thu cùng các loại cá nhám, cá cam. Anh Trận là một trong số ngư dân Đà Nẵng đón Tết ở ngư trường Hoàng Sa.
“Để cho ngư dân vui, chuyến biển vừa qua, ngoài nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước uống phục vụ chuyến biển, chúng tôi còn đem theo bánh tét, bánh chưng, mứt, gà và thêm mấy lon bia để anh em vui xuân trên biển lấy khí thế làm việc”, anh Trận chia sẻ.
Theo anh Trận, hiện tại, giá cá thu chỉ 120.000-130.000 đồng/kg, giá cá ngừ bò cân cho đầu nậu khoảng 10.000 đồng/kg; giá ngoài chợ thì cũng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. “Với giá cả hiện tại, sau khi chi phí chuyến biển, mỗi lao động cũng kiếm được khoảng 7 triệu đồng”, anh Trận nói.
Ăn Tết trên biển nhiều phải kể đến ngư dân Quảng Ngãi. Từ cuối tháng chạp, có hơn 100 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ra ngư trường Hoàng Sa. Ngày 20 tháng chạp, anh Phạm Tiễn (trú Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 94684 cho tàu ra Hoàng Sa hành nghề lưới cản.
“10 lao động ra khơi hết sức khí thế vì năm nào chuyến biển Tết cũng trúng lớn, mỗi lao động lận lưng từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay cho thu nhập ít hơn vì lượng tàu ra khơi trong Tết quá lớn nên cá về cảng nhiều dẫn đến giá cả bị các đầu nậu hạ thấp. Mặc dù vậy, thu nhập mỗi lao động cũng từ 7 đến 10 triệu đồng. Thế cũng vui rồi”, anh Tiễn thổ lộ.
Anh Tiễn cho biết, hầu hết các ngư dân ra khơi trong Tết đều chở về đất liền từ 7-15 tấn cá, thậm chí có tàu trên 20 tấn, chủ yếu là cá thu, cá ngừ. Đây là chuyến biển trở về đất liền đầu năm mới thuộc loại “trúng” của ngư dân miền Trung.
Nếu giá cả được bình ổn thì ngư dân sẽ có thu nhập cao hơn. Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, từ đầu tháng 2-2016 đến nay, đã có 692 tàu cá cập âu thuyền Thọ Quang, mang về 2.068 tấn hải sản. Đặc biệt, ba ngày vừa qua, bình quân mỗi ngày có hơn 200 tấn hải sản cập cảng cá Thọ Quang.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ