Kinh tế

Sau Tết, doanh nghiệp thiếu lao động

09:06, 19/02/2016 (GMT+7)

Thị trường lao động sau Tết năm nào cũng bất ổn, buộc nhiều doanh nghiệp luôn phải điều chỉnh chính sách tuyển dụng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang rao tuyển với mức thu nhập hấp dẫn, tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Dệt-may hiện là ngành cần nhiều lao động, nhất là lao động có tay nghề.  Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ Đà Nẵng đang làm việc.
Dệt-may hiện là ngành cần nhiều lao động, nhất là lao động có tay nghề. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ Đà Nẵng đang làm việc.

Dạo một vòng quanh thành phố Đà Nẵng, thấy nhiều nơi doanh nghiệp đang rao tuyển lao động với số lượng lớn, nhất là lao động phổ thông. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, các doanh nghiệp đăng ký rao tuyển số lượng lên đến hàng ngàn lao động.

Chẳng hạn, Công ty TNHH TCIE Việt Nam, công ty thành viên của Tập đoàn Tan Chong chuyên sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô-tô nhãn hiệu Nissan tại Việt Nam, tuyển 100 công nhân tuổi từ 22-35, làm việc theo ca, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật ô-tô.

Để đáp ứng yêu cầu kinh doanh, Công ty CP Thương mại Visnam cũng tuyển 30 lao động làm các công việc về lễ tân với mức lương khởi điểm từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Công ty Silver Shores tuyển 80 lao động lễ tân, phục vụ với mức thu nhập hấp dẫn theo thỏa thuận, không chú trọng bằng cấp nhưng phải biết tiếng Trung...

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt-may, đang thiếu nhiều lao động. “Do yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất và đáp ứng các đơn hàng nhiều vào đầu năm nên doanh nghiệp cần tuyển lượng lớn lao động”, ông Diệp nói.

Ở nhiều khu công nghiệp (KCN) như KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng, Hòa Cầm..., các doanh nghiệp hiện cũng đăng bảng tuyển lao động với số lượng lớn. Chẳng hạn như Công ty Keyhing Toys Việt Nam (KCN Hòa Khánh) tuyển hơn 700 lao động, trong đó có 500 lao động phổ thông, 200 công nhân may và 5 nhân viên thông thạo tiếng Trung với mức lương từ 3,8 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị (KCN An Đồn) tuyển 300 lao động may giày xuất khẩu với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng...

Đứng tần ngần ở bảng tuyển dụng trước cổng KCN Hòa Khánh, chị Nguyễn Thu Sương (33 tuổi, ở tỉnh Nghệ An) nói: “Các doanh nghiệp tuyển khá nhiều nhưng mình đang so sánh mức lương và chế độ đãi ngộ tại các đơn vị để nộp hồ sơ”.

Chị Sương cho biết, trước đây, chị làm công nhân may tại một doanh nghiệp ở Đà Nẵng thì nghỉ việc về quê lấy chồng rồi sinh con. Bây giờ, con gái 2 tuổi nên vợ chồng chị gửi cho ông bà nội ở quê chăm sóc và vào Đà Nẵng tìm việc.

Điều dễ nhận thấy hiện nay là hầu hết doanh nghiệp cần tuyển lao động phổ thông với số lượng lớn chủ yếu là các doanh nghiệp dệt-may, giày da, cơ khí, gò hàn... Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm KCN Đà Nẵng, tại 6 KCN trên địa bàn thành phố hiện thiếu hàng ngàn công nhân. Thiếu lao động nhiều nhất có thể kể đến là ngành dệt-may.

Hàng loạt doanh nghiệp dệt-may đang tuyển nhiều lao động như: Công ty Dệt 19-5 tuyển 50 công nhân may, Công ty Dệt 29-3 tuyển 500 công nhân may, Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị tuyển 300 công nhân may, Công ty CP Thương mại Vinatex Đà Nẵng tuyển 100 công nhân may..., nhưng số lao động dự tuyển vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Đây cũng là khó khăn chung của ngành dệt - may cả nước. Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhân lực cho ngành dệt-may đã và đang trở nên bức thiết tại Việt Nam.

Dự kiến để đáp ứng yêu cầu, ngành dệt-may cần khoảng 3 triệu lao động vào năm 2020. Như vậy, ước tính bình quân mỗi năm ngành dệt-may cần thêm khoảng 100.000 lao động, đó là chưa kể tình trạng lao động bỏ việc.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, nguồn cung lao động về dệt may cũng như các ngành cần lao động phổ thông đang khan hiếm bởi hầu hết các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế... trước đây là nơi cung cấp số lượng lớn lao động cho Đà Nẵng thì nay đã tự giải quyết việc làm cho lao động địa phương từ các KCN trên địa bàn.

“Bây giờ, có bao nhiêu lao động dự tuyển là sử dụng ngay, dù đối với nhiều lao động, chúng tôi phải đào tạo từ đầu hoặc đào tạo lại rất vất vả thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc”, Giám đốc một doanh nghiệp dệt-may tại KCN Hòa Khánh cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.