Kinh tế

Thu mua quật kiểng

08:21, 20/02/2016 (GMT+7)

“Anh, chị bán lại cây quật này cho em nhé! Vứt đi thì ảnh hưởng môi trường, để lại chăm sóc cũng không thể ra quả đẹp cho mùa Tết sau được”, anh Thanh (ở Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam) năn nỉ gia đình chị Phương (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bán cây quật đang còn trĩu quả.

Ra Tết, nhiều người Hội An ra Đà Nẵng mua quật về chăm sóc.
Ra Tết, nhiều người Hội An ra Đà Nẵng mua quật về chăm sóc.

Hai ngày nay, anh Thanh ra Đà Nẵng, lặn lội đi đến từng nhà để tìm mua lại cây quật chở về Hội An. Anh đi vào các ngõ, hẻm, hễ nhà nào có quật là anh dạm hỏi mua.

“Hai năm nay, cứ khoảng mồng 8 tháng Giêng là tôi lặn lội ra Đà Nẵng để mua cây quật về bán lại cho các chủ vựa. Sau Tết, đa phần người dân Đà Nẵng đều cho, gọi là “lì xì” đầu năm lấy hên, trừ những cây to người ta tiếc nên để lại chưng hoặc lấy chút đỉnh tiền”, anh Thanh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hà Thu (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) cho biết, mấy ngày nay thấy nhiều người đến hỏi mua cây quật. “Đầu năm ai bán, họ hỏi thì cho, coi như mình lì xì. Tuy nhiên, do quật còn tươi, quả chưa rụng nên mình hẹn vài ngày nữa đến chở”, chị Thu nói.

Còn anh Nguyễn Duy Phương (trú đường Tôn Đản, quận Cẩm Lệ) mua cây quật trị giá 3 triệu đồng tại Hội chợ Hoa xuân Bính Thân Đà Nẵng. Cây quật rất sai quả và đẹp. Mặc dù chưng đã gần nửa tháng nhưng lá vẫn xanh và chưa rụng trái nào.

Mấy ngày nay, cũng đã có người đến hỏi thăm mua lại cây quật nhà anh. “Tết nào mình cũng chơi quật thay vì chơi đào, mai, cúc. Nhưng sau khi chưng xong thì bỏ đi, chứ không thể chăm sóc được vì nó chỉ ra lá chứ không thấy ra trái như người ta chăm. Vì vậy, người ta đi mua lại thì mình cũng bán hoặc cho họ”, anh Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc (chủ một vựa quật nhỏ ở Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam) trước Tết chở quật từ Hội An ra Đà Nẵng bán và đầu năm thì làm chuyến xe ngược lại, tìm mua quật ở Đà Nẵng chở về Hội An.

Ông cho biết: “Để trồng một cây quật thì một năm không thể kịp được, đặc biệt là những cây to, dáng đẹp thì phải mất vài năm. Vì vậy mình mua lại quật của người dân đã chưng Tết, về chăm sóc, lấy công làm lời”, ông Phúc nói.

Được biết, những năm trở lại đây, xu hướng chưng quật vào dịp Tết đã trở nên phổ biến hơn chơi mai, đào. Nguyên nhân là giá quật bình quân rẻ hơn các loại đào, mai nên phù hợp với nhiều loại đối tượng. Dù nghèo hay giàu, chỉ cần khoảng 300.000 đến 1 triệu đồng là có một chậu quật chưng Tết.

Dĩ nhiên, người dân thì cũng chỉ có thể “chơi” chứ không thể tận dụng lại cho năm khác bởi vì không có kỹ thuật chăm sóc như các chủ vựa quật. Nhiều người tiếc nên chăm sóc ở nhà, nhưng họa hoằn mới ra được những quả nhỏ, còn không chỉ là những cành lá.

Vì vậy, nhiều người phải vứt bỏ sau khi Tết đã qua đi. Theo một số công nhân thu gom rác thải thì hằng năm vào tháng giêng, ngoài việc thu rác còn phải dọn sạch các loại cây cảnh mà người dân chưng Tết xong vứt ra vỉa hè.  “Thu gom rác mà gặp các loại cây cảnh, hoa Tết, đặc biệt là quật là rất vất vả vì nó cồng kềnh. Khi lên bãi rác xử lý cũng rất khó”, một công nhân thu gom rác chia sẻ.

Chính vì vậy, việc tận thu quật đầu năm mới ngoài việc mang lại lợi ích cho những người trồng cây cảnh, còn góp phần bảo vệ môi trường, tránh phát sinh rác thải ra môi trường…

Bài và ảnh: AN NHIÊN

.