Kinh tế
Doanh nghiệp xuất khẩu cần thông tin
Năm 2016 đánh dấu tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết. Chưa khi nào doanh nghiệp trong nước lại thể hiện rõ sự quan tâm đối với công tác quảng bá, xúc tiến thương mại ở nước ngoài như hiện nay. Lãnh đạo các bộ, ngành và các tham tán, tùy viên thương mại cũng đã bàn thảo nhiều kế hoạch đổi mới phương thức hoạt động, làm sao để doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường thế giới.
Gian hàng Việt Nam tại một hội chợ ở nước ngoài thu hút sự quan tâm của các đối tác. Ảnh: DƯƠNG TRANG |
Thông tin nghèo nàn
Liên tục trong những tháng đầu năm nay, Đà Nẵng tổ chức nhiều buổi kết nối giữa các đoàn tham tán thương mại, các cán bộ thương vụ đi nước ngoài với doanh nghiệp (DN) để nắm bắt tình hình thị trường, nhu cầu tìm kiếm đối tác xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Tuy nhiên, việc thường xuyên kết nối, trao đổi thông tin chỉ mới tập trung vào một số ít thị trường, trong lúc sự phối hợp chưa phát huy hiệu quả, chủ yếu khi có sự vụ cần giải quyết. Thông qua việc trao đổi, không ít DN tại địa phương cho rằng, đang gặp khó bởi thiếu thông tin về thị trường.
Trong đó, một trong những nguyên nhân là do chưa có sự phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa tham tán thương mại Việt Nam tại các nước và DN trong nước.
Ông Lê Bá Huy Tôn, đại diện Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng cho rằng, vai trò của các thương vụ, tham tán thương mại rất quan trọng, là cầu nối trung gian và chỗ dựa của DN khi xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Từ trước đến nay, Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng gặp khá nhiều khó khăn khi muốn xác minh thông tin, sự uy tín của đối tác tại nước sở tại, việc kết nối đều phải thông qua trung gian tốn kém rất nhiều chi phí. Do đó, các thương vụ, tham tán thương mại cần lập ra những cổng thông tin điện tử chính thống, công khai địa chỉ liên hệ để các DN có thể tiếp cận.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất lưới xuất khẩu Đà Nẵng bày tỏ, hiện nay công ty gặp khó khăn về thị trường do nhu cầu nuôi trồng thủy sản ở Nhật Bản đang giảm, trong khi ngành nuôi trồng thủy sản trong nước ít phát triển, do đó công ty rất cần hỗ trợ thông tin để mở rộng thị trường ngoài nước.
Công ty CP Vinafor Đà Nẵng là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, hiện nay cũng đang cần được hỗ trợ quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường châu Âu, châu Mỹ. Trong khi đó, đại diện Công ty CP Việt - Séc cho biết, công ty đang đầu tư nhà máy sản xuất cửa nhôm Sinfa với công suất 12.000m2/năm, muốn được hỗ trợ thông tin để kết nối với đối tác ở nước ngoài để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất…
Cần nâng cao hiệu quả hoạt động
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng kiến nghị: Các thương vụ cần chủ động cung cấp thông tin cụ thể về thị trường, danh sách khách hàng uy tín có thế mạnh của các nước, hỗ trợ cung cấp thông tin khi DN trong nước có nhu cầu; tư vấn cho DN lựa chọn phương thức kinh doanh, đối tác, mặt hàng, xu hướng tiêu dùng phù hợp với nước sở tại (nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới đã hoặc sắp có hiệu lực như VN-Hàn Quốc, VN-EU, TPP, RCEP…)
Theo ông Đoàn Minh Việt, Tùy viên thương mại-thương vụ Việt Nam tại Úc, ngoài sự hỗ trợ từ thương vụ và tham tán thương mại, các DN nên sử dụng nhiều kênh thông tin từ Sở Công thương, Sở Ngoại vụ, Đại sứ quán, kênh thông tin của các nước để xác minh đối tác làm việc có hiệu quả, có minh bạch và uy tín hay không. Ngoài ra, bản thân DN cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để có thể thu thập thông tin hữu ích từ nhiều nguồn, hoặc có thể tìm đến các trung gian cung cấp thông tin uy tín…
Với trách nhiệm của mình, các tham tán Việt Nam tại nước ngoài thẳng thắn thừa nhận việc phối hợp giữa tham tán thương mại với DN trong nước còn những khó khăn. Đơn cử, như việc các DN gửi thư điện tử đến các đại diện cơ quan thương mại của Việt Nam ở nước ngoài còn chung chung, thiếu tiêu đề, sơ sài, rất khó trả lời.
Vì vậy, DN cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất cũng như phải tự trang bị kiến thức, thận trọng trong việc soạn thảo hợp đồng với các đối tác nước ngoài để tránh những thiệt hại khi nảy sinh những rắc rối, tranh chấp.
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị DN cần xác định xuất khẩu mặt hàng thị trường cần, chứ không phải xuất khẩu mặt hàng mình có. Thực tế, không ít DN còn mơ hồ với thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Mỹ nói riêng… Có thể nói, các quy định pháp luật trong các cam kết thương mại hiện còn khá lạ lẫm với không ít DN trong nước, tạo ra những thách thức đối với DN khi hội nhập.
Tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2016 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, DN không nên trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của tham tán thương mại mà cần phải tự thân vận động.
Trong thời gian tới, các tham tán sẽ tập trung cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách của nước sở tại, còn phần hỗ trợ DN sẽ chuyển giao các đơn vị xúc tiến thương mại. Sự thay đổi này hướng đến mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho DN trong nước xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn.
Theo Sở Công thương thành phố, Đà Nẵng hiện có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có hơn 40 doanh nghiệp xuất khẩu từ 3 triệu USD trở lên với các mặt hàng chủ lực như dệt may, thủy sản đông lạnh, cao su thành phẩm, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ... Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố năm 2015 ước đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2014; giai đoạn 2011-2015 ước đạt 5,129 tỷ USD, tăng bình quân 15,4%/năm. Thị trường xuất khẩu mở rộng trên 120 nước và vùng lãnh thổ, các thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ, EU... |
Duyên Anh