.

Làm sạch môi trường du lịch

.

Trước tình trạng hướng dẫn viên (HDV) người Trung Quốc tham gia hoạt động hướng dẫn khách trên địa bàn Đà Nẵng gây nhiều bức xúc trong dư luận. Chiều 1-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan để bàn giải pháp xử lý, chấn chỉnh tình trạng này.

Quản lý người nước ngoài vào Đà Nẵng tham gia hoạt động du lịch là việc cần thiết để bảo đảm môi trường du lịch thành phố. Trong ảnh: Du khách Trung Quốc đang làm thủ tục nhập cảnh vào Đà Nẵng. Ảnh: Nhật Hạ
Quản lý người nước ngoài vào Đà Nẵng tham gia hoạt động du lịch là việc cần thiết để bảo đảm môi trường du lịch thành phố. Trong ảnh: Du khách Trung Quốc đang làm thủ tục nhập cảnh vào Đà Nẵng. Ảnh: Nhật Hạ

Sáng 1-7, Sở Du lịch cũng tổ chức gặp mặt, trao đổi với các HDV du lịch người Việt nói tiếng Trung đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Nhiều HDV đã bày tỏ sự bức xúc khi phải làm sitting guide (HDV có thẻ ngồi trên xe để người khác hướng dẫn khách) và có ít việc làm. Các HDV đã “hiến kế” cho các cơ quan chức năng xử lý tình trạng này.

Chị H, một HDV tiếng Trung lâu năm cho rằng, trước tình trạng trên các HDV phải tự bảo vệ mình bằng cách nếu phát hiện mình được gọi đi dẫn đoàn nhưng thực chất làm sitting guide thì hãy từ chối, gọi điện về báo cho công ty du lịch hoặc Thanh tra Sở Du lịch để phối hợp xử lý. Về phía các công ty du lịch, nếu phát hiện trong chương trình tour của đối tác gửi sang không có HDV người Việt nói tiếng Trung cũng nên kiến nghị không hợp tác. Thanh tra Sở Du lịch và các ban, ngành liên quan cần kiểm tra gắt gao vấn đề sử dụng thẻ HDV đúng người, đúng nhiệm vụ”, chị H. đề xuất.

Một HDV tiếng Trung khác cũng chia sẻ: “Khi tôi đi du lịch Trung Quốc với tư cách là trưởng đoàn, HDV người Trung Quốc đã nói thẳng với tôi rằng, không được thuyết minh, nếu thuyết minh sẽ bị phạt. Vậy thì sao khách Trung Quốc sang nước mình, mình lại không phạt mà để cho HDV người Trung Quốc “tự tung tự tác” như vậy? Nên chăng khi phát hiện có sitting guide hoặc HDV người Trung Quốc dẫn đoàn, các HDV người Việt phải liên hệ báo ngay với Thanh tra Sở Du lịch, đồng thời Sở cũng cần thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm một cách nhanh chóng, trách để mất chứng cứ”.

Trong buổi làm việc chiều 1-7, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sau thời gian theo dõi, tìm hiểu, nhận được thông tin qua buổi trao đổi với CLB HDV và các HDV tiếng Trung Quốc trước đó, được biết tình trạng HDV người nước ngoài trực tiếp tham gia hướng dẫn đoàn và sử dụng các tiếng địa phương khác của Trung Quốc nên sitting guide dù đi cùng nhưng cũng không thể hiểu được nội dung.

Cũng theo ông Cường, các doanh nghiệp hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc hiện nay tồn tại một số vấn đề trái với quy định luật pháp như ở Lào Cai, Hạ Long…, đó là công ty lữ hành Việt Nam và công ty lữ hành Trung Quốc “bắt tay” với nhau, khi đoàn khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ không thuê HDV của Việt Nam; thậm chí, nếu HDV của Việt Nam muốn dẫn đoàn thì phải chi trả cho công ty lữ hành với bình quân 300 Nhân dân tệ/khách (tương đương 1 triệu đồng/khách). Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 26 đơn vị lữ hành quốc tế chuyên đón khách từ thị trường Trung Quốc, trong đó có một số công ty có tình trạng sử dụng người nước ngoài trực tiếp hướng dẫn đoàn. Các đối tượng hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép cũng như người nước ngoài làm HDV tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng hoạt động rất tinh vi vì đã có thời gian ở Việt Nam lâu và đã hoạt động nhiều năm tại Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan đưa ra những ý kiến khác nhau như phải kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp khi đến đặt văn phòng, chi nhánh xem có đúng mục đích ban đầu, hay lại tiếp tay cho các công ty của người Trung Quốc; phải hạn chế được việc trốn thuế của các đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch…

Trước sự phức tạp như hiện nay, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, phải kiên quyết làm cho được, không thể “đánh trống bỏ dùi”, khách đến thành phố là để thưởng thức văn hóa, cái hay cái đẹp chứ không phải bắt đi mua sắm giá cao. Không nương tay với những người làm ăn giả dối, dù người Việt Nam hay người nước ngoài đến hoạt động kinh doanh tại đây cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Phải làm trong sạch môi trường du lịch, chống làm du lịch một cách chộp giật làm xấu đi hình ảnh của thành phố.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Du lịch và CLB HDV rà soát lại các HDV; đề nghị Hiệp hội Du lịch xây dựng một tiêu chuẩn cụ thể, phổ biến cho các HDV tiêu chí hoạt động, ký cam kết phải tuân thủ các tiêu chuẩn đã đề ra. Bên cạnh đó, ngành du lịch nên có một kênh để nắm thông tin thường xuyên, kịp thời từ chính các HDV. Riêng phía các công ty du lịch phải có quy trình quản lý đưa đón khách, quản lý từ khâu xuất nhập cảnh đến lúc khách rời Đà Nẵng. Các doanh nghiệp cũng phải ký cam kết, giám sát các hoạt động kinh doanh, nếu sai phạm thì rút giấy phép kinh doanh. Từ nay đến ngày 20-7 phải tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để kêu gọi họ cùng nhau giữ môi trường du lịch trong sạch, cùng làm cùng hưởng.  

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cũng đề nghị ngành du lịch rà soát lại các điểm đến, chất lượng điểm đến, dịch vụ… Nơi nào thiếu dịch vụ gì, chưa bảo đảm chất lượng ở khâu nào thì khuyến cáo nâng cấp để phục vụ cho tốt. Tránh tình trạng chèo kéo khách, bán hàng lưu niệm với giá trên trời. Sở Công thương kiểm tra các cửa hàng, điểm mua sắm, bảo đảm niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đề nghị các điểm đến lắp camera quản lý. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Công an thành phố quản lý người nước ngoài vào Đà Nẵng tham gia các hoạt động du lịch.

NHẬT HẠ - ĐAN TÂM

;
.
.
.
.
.