Kinh tế
Bài cuối: Tác động trực tiếp đến hệ thống doanh nghiệp Việt Nam
Khi VKFTA được thực thi sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát triển. Trước hết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là xuất khẩu nông sản, dệt-may và thủy sản vào thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh các lợi ích xuất khẩu quan trọng, Hiệp định dự kiến cũng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt-may, giày, dép, điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác, qua đó hỗ trợ cải cách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng giá trị gia tăng cao.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần đưa nền kinh tế phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Điện tử Foster. |
Hàn Quốc mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, do đó các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường này. Đáng chú ý, lần đầu tiên Hàn Quốc sẽ mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm được coi là nhạy cảm cao của nước này như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… (thuế nhập khẩu của Hàn Quốc đối với những mặt hàng này hiện rất cao, từ 241-420%).
Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Thị trường Hàn Quốc tuy là một thị trường phát triển với các yêu cầu và đòi hỏi tương đối cao nhưng nhìn chung vẫn dễ tính hơn các thị trường EU, Mỹ hay Nhật Bản. Do đó, việc tăng cường quan hệ thương mại với thị trường này là bước chuẩn bị tập dượt tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới khi tiến sâu hơn vào các thị trường khó tính. Một thuận lợi khác, hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam và khoảng 40.000 công nhân Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp mối quan hệ thương mại song phương và đầu tư giữa hai nước đạt được kết quả tốt hơn.
Mặc dù vậy, khi tiếp cận VKFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thận trọng bởi những khó khăn gặp phải. Trước hết, các doanh nghiệp Việt Nam đang bị đánh giá yếu trên các mặt, như quản trị kém, uy tín thương hiệu thấp, người tiêu dùng thường có tâm lý “sính hàng ngoại”, chiến lược kinh doanh quốc tế mờ nhạt, năng lực cạnh tranh thấp. Điều này sẽ đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào nguy cơ làm thuê, nhận cấu phần ô nhiễm, có giá trị gia tăng thấp dẫn đến nguy cơ bị phụ thuộc, mất vị thế chủ động.
Khi năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp còn yếu ắt sẽ dẫn đến nguy cơ mất thị trường nội địa. Đó là, khi Việt Nam ký kết các FTA, nếu không tận dụng tốt, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững. Bên cạnh đó, cũng nên nhớ rằng, thị trường Hàn Quốc chỉ có 50 triệu dân (thấp hơn nhiều so với 1,4 tỷ dân Trung Quốc hoặc 600 triệu dân ASEAN), nhưng hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam cũng khó thâm nhập, bởi yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa nhập khẩu… vào thị trường Hàn Quốc cao hơn nhiều so với thị trường ASEAN hay Trung Quốc.
Cuối cùng, với hệ thống bán lẻ đã được hình thành bài bản và các siêu thị có chuỗi phân phối tương đối ổn định, việc thâm nhập vào các kênh bán hàng của Hàn Quốc tương đối khó đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có chiến lược tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bán hàng, bảo đảm số lượng, thời hạn giao hàng… thì các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể thâm nhập sâu vào thị trường này.
Nói đến VKFTA hay các FTA khác cũng như TPP, trước hết doanh nghiệp hãy tự nói về mình, bởi đây là một cuộc chơi sống còn chứ không đơn thuần là những văn bản mang tính hợp tác, hỗ trợ thông thường. Nói về mình tức cũng là tự nhìn lại mình để tìm đường đi thích hợp, đồng hành với đối tác. VKFTA đang đòi hỏi như vậy, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Muốn vậy, doanh nghiệp phải có sự chủ động. Đó là, chủ động tìm hiểu thông tin cam kết hội nhập để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh tận dụng được cơ hội cũng như sẵn sàng đối phó cạnh tranh. Chủ động đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cao tay nghề và năng lực của người lao động. Chủ động tạo sự liên kết, gắn bó giữa các doanh nghiệp; có chiến lược phát triển quan hệ lâu dài với đối tác Hàn Quốc.
Quan trọng hơn nữa, doanh nghiệp cần học hỏi đối tác Hàn Quốc bằng việc liên kết với nhau để tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng phân phối của các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tận dụng những thế mạnh về thị trường, thương hiệu, cách thức tổ chức, quản lý, kinh nghiệm phát triển trong cạnh tranh để vừa tận dụng cơ hội, vừa vượt qua thách thức nhanh chóng và hiệu quả khi hiệu lực thực hiện của VKFTA đang đến gần…
Bài và ảnh: Thanh Gián