Kinh tế
Cải thiện chất lượng đóng góp của doanh nghiệp FDI
Một trong những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm trực tiếp cho người lao động địa phương.
Các doanh nghiệp FDI vừa đóng góp vào ngân sách, vừa giải quyết một số lượng lớn lao động. |
Tính đến nay, Đà Nẵng thu hút được 409 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3,673 tỷ USD. Hiện tại có gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư vào Đà Nẵng với vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (chiếm trên 50%); công nghiệp chế biến, chế tạo (trên 33%); trong đó DN Hàn Quốc có tổng mức đầu tư lớn nhất. Đặc biệt, các dự án cấp mới tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics… theo đúng định hướng thu hút đầu tư của thành phố.
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, trong giai đoạn 5 năm gần đây, các DN FDI đóng góp 11,83% trong giá trị gia tăng toàn nền kinh tế thành phố. Về sản xuất công nghiệp, nguồn vốn FDI đã góp phần gia tăng vốn đầu tư phát triển và giá trị sản xuất công nghiệp từ 20-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Đáng chú ý, các dự án FDI góp phần đổi mới công nghệ, nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu toàn thành phố.
Đặc biệt, việc nộp ngân sách của các DN FDI không ngừng tăng cao, năm sau cao hơn năm trước: năm 2011 số nộp ngân sách từ khối này là 16,5 triệu USD, đến năm 2014 là 54 triệu USD, năm 2015 trên 70 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, ước trên 60 triệu USD, tăng 1,01 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhiều DN có số nộp cao như Công ty TNHH VBL Đà Nẵng trên 35 triệu USD, Công ty Du lịch Bắc Mỹ An, Công ty Điện tử Việt Hoa, Công ty H.I.S Sông Hàn, Công ty Mabuchi Motor… Đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI.
Một trong những điểm sáng của khối DN FDI là chiếm tỷ trọng cao về lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước; tạo điều kiện cho người lao động học hỏi, tiếp thu kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu. Được biết, riêng 6 tháng đầu năm 2016 giá trị xuất khẩu của khối DN FDI đạt gần 316 triệu USD, tăng 1,33 lần so với cùng kỳ năm 2015, trong khi giá trị nhập khẩu lại giảm (chỉ có 156 triệu USD, bằng 78,1% cùng kỳ 2015).
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng trong thời gian qua đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố; góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, qua đó tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động…
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2016, thành phố chỉ thu hút được 22 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD, chỉ bằng 78,57% số lượng dự án, bằng 81,8% số vốn so với cùng kỳ 2015. Các dự án cấp mới tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại dịch vụ nhỏ lẻ, chưa có dự án nào có quy mô lớn và cũng không có dự án nào đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch, công nghệ cao.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư, chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc phục vụ định hướng phát triển các ngành dịch vụ du lịch, công nghệ cao, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững. Vì vậy, công tác xúc tiến đầu tư cũng phải thay đổi linh hoạt cách thức tiếp cận, xúc tiến để thu hút được những nhà đầu tư mới phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố. Định hướng chung của Đà Nẵng là tiếp tục ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics, y tế và giáo dục, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Bài và ảnh: Thành Lân