Kinh tế
Giáo sư Nhật Bản lý giải nguyên nhân công nghiệp ôtô Việt Nam "ì ạch"
Theo giáo sư Kobayashi Hideo, ngành công nghiệp sản xuất ô-tô của Việt Nam đang tụt hậu so với nhiều nước trong ASEAN.
Một trong những mẫu xe Peugeot mà Công ty Trường Hải liên kết sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Thông tin tại buổi tọa đàm "Phát triển công nghiệp ô-tô và phụ tùng ôtô" do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 6-9, tại Hà Nội, giáo sư Kobayshi cho rằng, Việt Nam cần phải có nhiều chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp này.
Chia sẻ thêm, vị cố vấn Viện nghiên cứu công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô-tô (Đại học Waseda-Nhật Bản) nhìn nhận, ngành công nghiệp ô-tô của Việt Nam chỉ bắt đầu từ năm 1990 và chủ yếu chuyển đổi từ việc sản xuất và lắp ráp xe máy sang ôtô.
Trong khi cùng thời điểm đó, nhiều nước ASEAN đã bắt đầu chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hóa hướng sang xuất khẩu và đây là giai đoạn phát triển thuận lợi cho ngành công nghiệp ô-tô.
Chính vì những lẽ đó mà ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn "ì ạch" trong suốt một thời gian dài thực hiện quy hoạch.
Thống kê cho thấy, nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa còn rất thấp so với mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng như xe tải, xe khách, xe con.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô dù đã hình thành, nhưng còn yếu kém, trong khi mục tiêu quy hoạch đặt ra tỷ lệ sản xuất trong nước đối với động cơ và hộp số là 50- 90% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt được.
Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ và chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa…, một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Chỉ ra một số yếu kém của ngành ôtô Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp cho rằng, chi phí sản xuất ôtô của Việt Nam vẫn cao hơn khoảng 20% so với các nước khác trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên Việt Nam phải nhập khẩu nhiều linh kiện nhiều hơn để lắp ráp đã dẫn đến giá thành ôtô trong nước khó cạnh trạnh hơn nhiều nước trong khu vực.
Không những thế, bà Thúy cho rằng, có nhiều ý kiến phản đối và cho rằng Việt Nam cần chuyển sang nhập khẩu và nhường chỗ cho các ngành công nghiệp khác.
Tuy vậy, theo bà Thúy, khi tham khảo các ý kiến doanh nghiệp thì điều đó ngược lại và công nghiệp ôtô vẫn được xác định là ngành tạo ra động lực phát triển cho các ngành khác và là giải pháp giảm nhập khẩu.
Và để có thể tạo những động lực mới cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đại diện Viện nghiên cứu này cho rằng, nhà nước cần tập trung kết nối kinh doanh, hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xây dựng chiến lược xuất khẩu phụ tùng linh kiện ôtô và thay thế nhập khẩu.
Điều quan trọng nhất, bà Thúy cho rằng, cần thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất và giảm giá bán xe để từ đó đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thời gian tới./.
Vietnam+