Kinh tế

Ngành ngân hàng hướng tới top 30 trên thế giới về tiếp cận tín dụng

14:59, 08/09/2016 (GMT+7)

Tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia của Việt Nam phải thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới từ vị trí 88.

Triển khai thực chất, cụ thể

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong cải cách, toàn ngành ngân hàng đã có chương trình hành động với một hệ thống các giải pháp cụ thể.

Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam (CIC), thuộc NHNN cho biết, CIC đã xây dựng kế hoạch triển khai và có lộ trình thực hiện rõ ràng với mục tiêu cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng. CIC đã hoàn thiện cổng thông tin điện tử kết nối khách hàng vay (cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp). Thông qua cổng thông tin điện tử, khách hàng vay có thể tự đăng ký thông tin, nhu cầu vay vốn; khai thác thông tin tín dụng, điểm tín dụng về bản thân, kịp thời khiếu nại khi phát hiện thông tin có sai sót... Các ngân hàng có thể tra cứu danh sách khách hàng thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững.

Đại diện CIC cũng cho biết, dự kiến trong năm 2017, cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC sẽ được nhân rộng trong phạm vi toàn quốc, theo đó, thông qua các điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD), các khách hàng vay có thể dễ dàng đăng ký và tham gia để tra cứu thông tin và đăng ký nhu cầu vay vốn.

Hướng tới Top 30 về tiếp cận tín dụng

Trong Nghị quyết 19, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia của Việt Nam phải thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

Về nhiệm vụ này, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, các mục tiêu Chính phủ đặt ra, trong đó có việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng từ vị trí xếp hạng hiện tại là thứ 88 lên vị trí top 30, là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống ngân hàng cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có kế hoạch hành động gồm 7 nhóm nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp thực hiện; kết quả được lượng hóa cụ thể theo từng năm và cả giai đoạn từ nay đến hết năm 2020. Trong đó, NHNN đã giao nhiệm vụ rất cụ thể để đổi mới, cải tiến cho các tổ chức tín dụng. Các cải cách về thủ tục, cắt giảm phí, thời gian tốn kém cho doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cho mỗi ngân hàng. Những nội dung này được thực hiện theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 64/NQ-CP mới được ban hành, đó là thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

“Doanh nghiệp có giữ được vị thế không phụ thuộc khá nhiều vào sự hỗ trợ của ngành ngân hàng trong hỗ trợ nguồn lực vốn. Do đó, dù mục tiêu khó khăn nhưng chúng ta phải hành động trong bối cảnh cả Chính phủ hành động, vì ngành ngân hàng là một trong những ngành trực tiếp quan hệ doanh nghiệp nhiều nhất”, Phó Thống đốc NHNN lưu ý các lãnh đạo ngân hàng.

Yếu tố quan trọng nhất là yếu tố con người, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định sẽ quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm cán bộ ngân hàng phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức.

Chinhphu.vn

.