Kinh tế
Phá thế độc đạo giao thông
Có một thời gian khá dài, kinh tế Đà Nẵng phát triển chưa xứng tầm là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự phát triển đó là hạ tầng giao thông bị rơi vào thế độc đạo và thiếu tính kết nối.
Song, nỗ lực rất lớn của thành phố Đà Nẵng, sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương và cả cái “bắt tay” đầy quyết tâm của các địa phương lân cận đã và đang phá vỡ thế “độc đạo” đó, mở ra cơ hội cho Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng phát triển.
Bốc xếp hàng container tại cảng Tiên Sa. Ảnh: THANH VÂN |
Cơn “đại hồng thủy” năm 1999 thực sự là bài toán trắc nghiệm về hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Tuyến quốc lộ 1A và đường sắt qua địa bàn thành phố bị tê liệt hoàn toàn vì rất nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước.
Hàng không phải dừng nhiều tuyến bay cả nội địa lẫn quốc tế. Đường thủy cũng gần như “đóng băng” vì sóng biển quá lớn. Phút chốc “trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” trở thành... ốc đảo; cơ hội hoạt động trở lại của đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không đều trông đợi... thời tiết (!).
Chính Đà Nẵng đã tiên phong mạnh dạn đề xuất Bộ GTVT sớm nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn thành phố; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ nâng cấp mở rộng, nâng nền vượt lũ cho tuyến quốc lộ 14B, xây dựng tuyến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan.
Hiệu quả thấy rõ khi qua nhiều mùa mưa bão sau năm 1999, các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố lưu thông bình thường, điều mà đến cuối năm 2016, Bộ GTVT mới thực hiện được trên toàn tuyến quốc lộ 1A.
Tin vui còn đến với Đà Nẵng và miền Trung khi Bộ GTVT đã phá thế độc đạo về đường bộ qua khu vực bằng hai dự án mang tầm quốc gia, đó là tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Đà Nẵng - Huế (La Sơn - Túy Loan); với tổng vốn đầu tư cho cả hai dự án gần 50.000 tỷ đồng, trong đó tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trên 34.500 tỷ đồng và tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan trên 15.000 tỷ đồng.
Dự kiến đến năm 2018, khi cả hai dự án này với tổng chiều dài trên 210km đưa vào sử dụng, Đà Nẵng và khu vực miền Trung không những chính thức phá thế độc đạo của quốc lộ 1A mà năng lực lưu thông cũng tăng lên rất nhiều khi vận tốc các phương tiện lưu thông qua đây cho phép trên 100km/giờ.
Đặc biệt, việc hàng loạt tuyến đường kết nối với tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) như quốc lộ 14B, 14D, 14E, 19, 24, 25, 26 đã được nâng cấp, kết nối hoàn chỉnh với 8 cảng biển trong khu vực với Tây Nguyên và nối thông qua các cửa khẩu quốc tế như Đak Tà Ót (Quảng Nam), Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Pleiku), Đak Peur (Đắc Nông); cùng với việc trước đó cây cầu Hữu Nghị số 2 trên sông Mekong - cây cầu cuối cùng trên tuyến EWEC hoàn thành đã chính thức kết nối giao thông toàn khu vực cũng như các nước nằm trên tuyến hành lang này, thực sự mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.
Riêng với thành phố Đà Nẵng - địa phương có cảng biển Tiên Sa là cửa ngõ cuối cùng ra Biển Đông của EWEC có tổng chiều dài toàn tuyến 1.450km, đi qua 13 tỉnh của 4 quốc gia (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam), đây là cơ hội vàng không chỉ riêng cho hoạt động vận tải, mà còn là đòn bẩy quan trọng để thành phố phát triển về kinh tế - xã hội.
Đối với tuyến đường sắt, theo chủ trương di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, với tổng chi phí gần 10.000 tỷ đồng, trong tương lai Đà Nẵng sẽ có hai ga đường sắt mới riêng biệt cho ga hành khách và ga hàng hóa. Điều này không những “giải phóng” hạ tầng giao thông khu vực nội thành mà còn tạo thêm một đầu mối giao thông quan trọng, nhất là về vận tải hàng hóa.
Với việc có thêm một ga hàng hóa chuyên biệt được kết nối với tuyến quốc lộ 1A, EWEC, tuyến cao tốc Bắc Nam, cũng như việc thành phố sẽ xây dựng trung tâm logistics tại huyện Hòa Vang, có thể nói ngoài việc là trung tâm vận chuyển hành khách quan trọng, thành phố cũng sẵn sàng trở thành đầu mối vận chuyển, tập kết hàng hóa cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các nước trên EWEC đầy tiềm năng trong tương lai.
Đặc biệt, đối với vận tải hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đã có sự phát triển đột phá để trở thành một trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế quan trọng của cả nước. Cuối năm 2011, Bộ GTVT khánh thành và đưa nhà ga hàng không mới vào khai thác. Nhờ vậy, lần đầu tiên sân bay Đà Nẵng đạt mốc trên 6 triệu lượt hành khách và gần 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong hàng trăm chuyến bay đi và đến thành phố, ngoài các tuyến nội địa kết nối với hầu hết sân bay quan trọng trong cả nước, gần đây đã xuất hiện khá nhiều tuyến quốc tế đi và đến Đà Nẵng như: Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Thượng Hải, Côn Minh (Trung Quốc), Siem Riep (Campuchia), Bang kok (Thái Lan), Busan (Hàn Quốc)…
Tuy nhiên, thời kỳ phát triển “bùng nổ” này, theo các chuyên gia hàng không, sẽ thực sự bắt đầu từ cuối năm 2017, thời điểm công trình nhà ga quốc tế với công suất lên đến 4 triệu lượt khách quốc tế/năm (và có khả năng nâng cao lên đến 6 triệu khách/năm) khánh thành, đưa vào khai thác phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Đây được xem là cột mốc đánh dấu chặng đường phát triển mới đầy tiềm năng của lĩnh vực hàng không Đà Nẵng.
Giao thông Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung đã dần phá được thế “độc đạo” bằng hàng loạt dự án có tính kết nối giữa các địa phương và cả khu vực. Đây là cơ sở để Đà Nẵng bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu đầy năng lượng cho vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.
Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn I hoàn thành, nâng tổng chiều dài cầu cảng của cảng Đà Nẵng đạt gần 1.500m, trong đó riêng cảng Tiên Sa là 965m, bao gồm 2 cầu cảng nhô và 1 cầu cảng liền bờ chuyên phục vụ bốc xếp tàu container. Bên cạnh đó, mực nước của cảng đã được nạo vét đạt mức 12m, giúp cảng đủ khả năng tiếp nhận tàu container đến 2000 TEUs, tàu hàng rời đến 40.000 DWT và cả tàu khách đến 75.000 GRT. Nhờ vậy, năm 2015, lần đầu tiên sản lượng hàng hóa thông qua cảng với 6,5 triệu tấn hàng hóa, trong đó hàng container đạt gần 300.000 TEUs. Đặc biệt, trong năm 2016, dự án nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn II được khởi công. Với quy mô 60.000m2 mặt nước, hai cầu cảng dài 310m và 210m được trang bị hai hệ thống cẩu QCC cho phép tiếp nhận tàu container trên 3000 TEUs, tàu hàng lên đến 70.000 DWT và tàu khách 100.000 GRT. Dự kiến đến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng sẽ đạt từ 10-12 triệu tấn/năm, trở thành cảng biển lớn nhất khu vực. Theo đánh giá của Diễn đàn các cơ quan kinh tế các nước ASEAN và Đông Á (ERIA), dự báo tác động từ EWEC sẽ giúp thành phố Đà Nẵng tăng thêm 2,29% GDP vào năm 2025. Song song với quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng và đầu tư trang thiết bị hiện đại, cảng Đà Nẵng cũng đã mở rộng, duy trì hợp tác với hàng chục hãng tàu lớn khắp thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng đã khai thác thành công tuyến đường thủy nội địa, kết nối vận tải với cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng, góp phần đa dạng hóa hình thức vận tải cho cả khu vực duyên hải miền Trung. |
THANH VÂN