Kinh tế

Sinh viên khởi nghiệp

08:03, 28/03/2017 (GMT+7)

Được “nuôi dưỡng” thích hợp, ý tưởng sáng tạo của sinh viên (SV) khi đang còn ngồi ghế nhà trường cũng có thể trở thành các dự án khởi nghiệp.

Một sản phẩm nghiên cứu khoa học (máy in 3D) của sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tham gia Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp 2016.
Một sản phẩm nghiên cứu khoa học (máy in 3D) của sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tham gia Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp 2016.

Tại phiên chợ “Cuối tuần tạo sự thay đổi” do Viện Nghiên cứu Việt Anh tổ chức vào tháng 1-2017, nhiều vị khách không giấu sự ngạc nhiên khi thưởng thức món bánh quy làm từ… thịt dế. Đây là sản phẩm của Công ty Thực phẩm Demeater- dự án khởi nghiệp của 5 cựu SV Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).

Anh Tô Hữu Chương (SN 1994, cử nhân Quản trị kinh doanh, đồng sáng lập Demeater) chia sẻ, khi còn là SV, Chương mong muốn tìm nguồn dinh dưỡng sạch, có giá trị kinh tế cao để thay thế những loại thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường. Trong quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy có nhiều công ty thực phẩm trên thế giới kinh doanh thực phẩm làm từ dế. Với cùng khối lượng, loài côn trùng này cung cấp lượng protein cao gấp 3 lần thịt heo và gấp 2 lần thịt bò. Trong khi đó, lượng thức ăn và nước cần cho dế lại thấp hơn so với bò, heo hay gà.

Năm học cuối, được sự hỗ trợ của TS. Đặng Đức Long, giảng viên Công nghệ sinh học, Hóa thực phẩm của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Chương nghiên cứu và cho ra những mẫu sản phẩm hoàn thiện đầu tiên. Anh cho biết, để làm ra những chiếc bánh quy và món ăn vặt từ dế, cần tìm hiểu trong thịt dế có các hoạt chất nào, xử lý làm sao để không gây dị ứng và món ăn không bị ám mùi dế quá nặng.

Hiện tại, Công ty Demeater đang được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ươm tạo. Từ những chiếc bánh quy đầu tiên, Demeater đã mở rộng sản phẩm sang dế tươi đông lạnh, dế khô ướp gia vị, bim bim dế. Để bảo đảm nguồn cung, Demeater liên kết với một trang trại dế ở Đà Nẵng. “Dế cực kỳ mẫn cảm nên việc nuôi loài côn trùng này luôn bảo đảm không hóa chất, không chất tăng trưởng, giữ vệ sinh trong mọi công đoạn”, anh Chương nói.

Các sản phẩm của Demeater đã được đưa ra thị trường qua các phiên chợ nông sản, kinh doanh trực tuyến và các nhánh bán lẻ. Trong thời gian tới, Demeater sẽ mở rộng thị trường ra toàn quốc và các quốc gia châu Âu, châu Mỹ.

Cùng khóa ươm tạo khởi nghiệp thứ 2 của DNES là Công ty Bee Tech với sản phẩm BeeGlasses - kính thông minh cho người khiếm thị. Đây là sáng chế của 3 cựu SV Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng: Lê Nhật Hưng, Nguyễn Trần Viết Chương và Nguyễn Mạnh Tuấn, nhằm hỗ trợ người khiếm thị di chuyển, giải trí và sinh hoạt hằng ngày.

Ý tưởng về chiếc kính thông minh đến với Lê Nhật Hưng khi đang là SV khoa Đào tạo quốc tế thuộc Trường ĐH Duy Tân. Chia sẻ ý tưởng này với hai người bạn học là Nguyễn Trần Viết Chương và Nguyễn Mạnh Tuấn, Hưng cùng các bạn “lùng” các tài liệu trong và ngoài nước để nghiên cứu. Với sự hướng dẫn của thạc sĩ Nguyễn Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Điện - Điện tử (Trường ĐH Duy Tân), chiếc kính thông minh phiên bản đầu tiên ra đời khi cả ba còn ngồi trên ghế nhà trường. Phiên bản hiện nay của chiếc kính đã được cải tiến đáng kể như: trọng lượng chỉ khoảng 300g, gọng kính được gắn với camera do nhóm tự lập trình để định vị và nhận diện vật cản. Ngoài ra, còn có một microphone thu giọng nói để nhận lệnh của người đeo kính, kết nối với bộ trung tâm điều khiển gắn ở thắt lưng.

Anh Hưng cho biết, với chiếc kính này, người khiếm thị có thể đọc sách mà không cần học chữ nổi, di chuyển dễ dàng, nhận dạng các vật sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, tương tác bằng giọng nói để thực hiện một số lệnh như: gọi điện thoại, xem giờ, đọc sách mà không cần học chữ nổi… Sau khi được thử nghiệm trực tiếp trên các nhóm người khiếm thị ở Đà Nẵng, chiếc kính đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hiện tại, Bee Tech nỗ lực kêu gọi vốn để đưa sản phẩm ra thị trường.

Anh Vũ Xuân Trường, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và phát triển thuộc DNES cho biết, một trong các ưu tiên hàng đầu của DNES là các dự án khởi nghiệp của SV, được hình thành từ các nghiên cứu đã thực hiện ở nhà trường. Kể từ khóa ươm tạo thứ hai, hầu như các dự án đều bắt nguồn từ nghiên cứu của SV. Theo anh Trường, Đà Nẵng là trung tâm đào tạo bậc cao lớn nhất miền Trung, lượng SV lớn và có chất lượng. Vì vậy, nếu muốn phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng, cần có những tác động mạnh lên nhóm này.

Hiện tại, DNES đã ký kết biên bản ghi nhớ chính thức với các trường: Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Kiến trúc, Viện Nghiên cứu Việt Anh để chủ động phát hiện các nhóm SV có dự án, sản phẩm tiềm năng. Anh Trần Nguyên, Giám đốc DNES cho biết, trong năm nay, DNES sẽ tiếp cận các công trình nghiên cứu của giảng viên, nhà khoa học Đà Nẵng để hỗ trợ thương mại hóa hoặc chuyển thành dự án khởi nghiệp.

Bài và ảnh: KHANG NINH

.