Bốn giải pháp phát triển đô thị Đà Nẵng

.

Ngày 22-12, Diễn đàn Phát triển đô thị lần thứ 7 do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với thành phố Yokohama (Nhật Bản) tổ chức đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề quan trọng trong định hướng phát triển của Đà Nẵng, bao gồm: tiết kiệm năng lượng, phát triển khu công nghiệp (KCN), xử lý rác thải và quy hoạch cảng cá Thọ Quang.

Việc tiết kiệm năng lượng là vấn đề cần quan tâm để thúc đẩy phát triển đô thị thân thiện với môi trường và bền vững. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Việc tiết kiệm năng lượng là vấn đề cần quan tâm để thúc đẩy phát triển đô thị thân thiện với môi trường và bền vững. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tham dự và chủ trì các phiên thảo luận. Ông Toru Hashimoto, Giám đốc điều hành Cục Hợp tác phát triển quốc tế (Yokohama) dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố Yokohama tham dự diễn đàn.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ bày tỏ sự biết ơn đối với thành phố Yokohama đã đồng hành với Đà Nẵng trong quá trình phát triển đô thị. Từ năm 2013, Yokohama đã tích cực tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ Đà Nẵng chuẩn bị quy hoạch, định hướng phát triển và thực hiện một số dự án chiến lược.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: Để các đề xuất của hai thành phố có thể thành hiện thực, rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Tài chính quốc tế cùng cộng đồng doanh nghiệp hai thành phố. Ông Huỳnh Đức Thơ cũng bày tỏ hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Yokohama sẽ ngày càng được củng cố, bền chặt.

Trong phiên thảo luận về tiết kiệm năng lượng, đại diện Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm thực thi quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điển hình như dự án “Tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình, tòa nhà” (BAE), tổ chức các chương trình tập huấn, triển lãm, tuyên truyền cho UBND các quận, huyện, chủ đầu tư công trình… Đặc biệt, số lượng công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn thành phố ngày càng tăng.

Để nâng cao hiệu quả đề án Thành phố môi trường của Đà Nẵng, ông Yasutoshi Sagami thuộc Công ty OSUMI (thành viên Hiệp hội các doanh nghiệp phát triển đô thị thành phố Yokohama) đề xuất phương pháp kiểm toán năng lượng. Thông qua phân tích năng lượng tại chỗ, có thể xác định các khu vực có tiềm năng lớn nhất cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Từ đó, các giải pháp sẽ được đề xuất qua nhiều lớp gồm: thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, bộ điều khiển tối ưu cho nhiều bộ thiết bị; quản lý năng lượng ở phạm vi nhà máy và quản lý năng lượng ở phạm vi khu vực. Ngoài ra, việc hỗ trợ kỹ thuật, vốn ODA và năng lực giám sát thông qua JICA... cũng cần được quan tâm nhằm quản lý năng lượng bền vững, hiệu quả.

Đối với việc quy hoạch, phát triển các KCN trên địa bàn thành phố, bên cạnh việc thu hút đầu tư và tăng cường quản lý đối với các KCN hiện hữu, Đà Nẵng còn định hướng phát triển một số KCN mới theo tiêu chí đầu tư đồng bộ, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Takashi Nakata, đại diện Công ty điện tử Foster (KCN Hòa Cầm) cho biết, Đà Nẵng có nhiều cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư. Đối với việc phát triển KCN, ông Nakata cho rằng, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 và KCN Hòa Nhơn khá gần thành phố; song KCN Hòa Ninh ở khá xa. Vì vậy, Đà Nẵng nên cân nhắc đưa ra các biện pháp như chuẩn bị xe buýt đưa đón công nhân và xem đây là biện pháp thu hút đầu tư vào các KCN.

Hiện tại, Đà Nẵng hợp tác với JICA và Yokohama nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cạnh tranh dựa trên các ngành công nghiệp trọng điểm. Theo ông Masakazu Okuno (Phòng Hợp tác quốc tế thành phố Yokohama), để có thể hiện thực hóa ý tưởng này, các KCN và Khu công nghệ cao cần hướng đến mục tiêu có hệ thống cảnh báo sớm phòng ngừa lũ lụt, hệ thống giám sát an ninh cao, quản lý đoàn xe về giao thông đi và đến các khu đầu tư, hệ thống quản lý môi trường, kết nối tốt với giao thông công cộng và có các trường quốc tế. Ngoài ra, cần có các giải pháp môi trường, đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: XUÂN DUYÊN
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: XUÂN DUYÊN

Tận dụng nguồn lực từ người dân

Trong phiên thảo luận về quản lý chất thải rắn và xử lý bùn, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Đà Nẵng đang đối mặt với vấn đề chất thải rắn tăng nhanh (từ 780-800 tấn/ngày vào năm 2016 đến 900-930 tấn/ngày vào năm 2017). Trong khi đó, dự kiến bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) sẽ đầy vào năm 2020, kéo dài tối đa đến năm 2021. Tỷ lệ phân loại và tái chế rác tại Đà Nẵng hiện cũng rất thấp, chỉ đạt 1-2%.

Với sự phối hợp của JICA và thành phố Yokohama, Đà Nẵng đang thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn tại các phường Thạch Thang và Thuận Phước (quận Hải Châu), trong năm 2018 sẽ nhân rộng ra các quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà; đồng thời, bắt đầu triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với mục tiêu có thể xử lý từ 1.000 - 1.500 tấn/ngày.

Ông Kazuhiro Suzuki, Giám đốc điều hành Cục tái chế chất thải và nguồn (Yokohama) chia sẻ, hiện khối lượng rác thải tại Yokohama đạt 130.000 tấn/năm và đang ngày càng giảm, tỷ lệ tái chế đạt 30%. “Chúng tôi tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc giảm rác thải, đồng thời giúp họ biến rác thành tài nguyên.

Người dân Yokohama có vai trò thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, giúp giảm rất nhiều chi phí trong việc xử lý rác”, ông Suzuki nói. Tương tự, bùn thải cũng sẽ được phân hủy để tạo khí metan làm điện năng. Theo đại diện Cục Quy hoạch môi trường Yokohama, việc tuần hoàn năng lượng rất quan trọng, đòi hỏi chi phí và kế hoạch kỹ càng.

Đối với lĩnh vực quy hoạch phát triển khu vực cảng cá Thọ Quang, thành phố đang dự kiến đưa khu vực này thành Trung tâm nghề cá hiện đại, cạnh tranh, trở thành điểm nhấn môi trường và du lịch. Để hiện thực hóa dự án này, chuyên gia Trung tâm Y-PORT (Yokohama) đề xuất Đà Nẵng thực hiện đồng bộ các giải pháp: cải thiện sản xuất và chế biến thủy sản, nâng cao logistics, cải thiện môi trường và đầu tư du lịch. Với những tương đồng về địa lý và không gian, Yokohama có thể hỗ trợ Đà Nẵng huấn luyện các ngư dân sử dụng công nghệ đông lạnh và bảo quản hải sản, xử lý nước thải bằng lọc nhanh…

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao sự hợp tác của hai thành phố, đồng thời khẳng định Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào 4 lĩnh vực đã bàn thảo.

Năm 2013, Đà Nẵng và Yokohama ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển đô thị bền vững, tạo điều kiện để Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận những kinh nghiệm của thành phố Yokohama trong việc phát triển và giải quyết những vấn đề đô thị.

KHANG NINH - DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.