Tạo môi trường khởi nghiệp cho sinh viên

.

Tạo môi trường khởi nghiệp cho sinh viên, các doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường trong công tác đào tạo, tư vấn khởi nghiệp… là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị tổng kết chương trình khởi nghiệp năm 2017 và triển khai chương trình khởi nghiệp 2018, do Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) tổ chức ngày 23-12. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cùng Chủ tịch DSC Võ Duy Khương đồng chủ trì hội nghị.

Các doanh nhân sẵn sàng hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp. TRONG ẢNH: Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Võ Duy Khương (thứ hai, từ phải) thăm gian hàng của một dự án tại Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng (SURF 2017).   		               Ảnh: KHANG NINH
Các doanh nhân sẵn sàng hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp. TRONG ẢNH: Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Võ Duy Khương (thứ hai, từ phải) thăm gian hàng của một dự án tại Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng (SURF 2017). Ảnh: KHANG NINH

Theo đánh giá, năm 2017, Đà Nẵng chú trọng xây dựng văn hóa khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên với gần 10 cuộc thi, tọa đàm và chương trình huấn luyện khởi nghiệp được tổ chức tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng (SURF 2017) diễn ra vào tháng 7 được xem là sự kiện khởi nghiệp lớn nhất miền Trung, đặt nền móng xây dựng Đà Nẵng thành “Trung tâm Đổi mới sáng tạo bên bờ biển”. Các hoạt động này góp phần tích cực thúc đẩy nghiên cứu khoa học và tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, từ đó tạo sự lan tỏa đến cộng đồng thanh niên, sinh viên của thành phố.

Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, Đà Nẵng khá năng động trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Năm 2017, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã được hỗ trợ thủ tục hành chính để có thể gia nhập thị trường trong thời gian ngắn và chi phí thấp nhất. Đặc biệt, chính quyền thành phố có những biện pháp hỗ trợ cụ thể dựa trên lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điển hình, dự án chatbot (Công ty Hekate) được đồng ý về mặt chủ trương để ứng dụng vào đề án Phát triển chính quyền điện tử Đà Nẵng; hai công ty khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được tiếp cận chương trình nông thôn, miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ…

Ông Phạm Đức Nam Trung, Phó Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho biết, riêng năm 2017, DNES đã triển khai ươm tạo 14 dự án, trong đó có các dự án của địa phương khác được thu hút về thành phố. Ngoài ra, thông qua các mối quan hệ hợp tác với các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, DNES liên tục tổ chức các khóa huấn luyện khởi nghiệp. Tháng 8, Không gian sáng chế (thuộc ĐH Đà Nẵng) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ chính thức khai trương với đầy đủ thiết bị hiện đại như máy in 3D, máy cắt laser…, hỗ trợ dự án khởi nghiệp trên nền tảng sản xuất.

Đại biểu đóng góp ý kiến phát triển khởi nghiệp tại Đà Nẵng.
Đại biểu đóng góp ý kiến phát triển khởi nghiệp tại Đà Nẵng.

Đối với việc xây dựng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận định, cần nâng cao và tạo môi trường khởi nghiệp cho sinh viên, nhưng “đừng quá sốt ruột”, bởi khởi nghiệp không phải là một phong trào, nên việc “kéo tất cả vào cuộc là không thực tế”.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin cho rằng, để tận dụng và phát huy lợi thế của từng trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố, nên tổng hợp các kế hoạch hoạt động khởi nghiệp từng năm của mỗi đơn vị để có phương án liên kết, phối hợp. Ngoài ra, cần có nguồn quỹ riêng cho khởi nghiệp - sáng tạo trong các trường ĐH, CĐ.

Đại diện Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng khẳng định các hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ nhà trường công tác đào tạo, tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hội DNNVV thành phố cho biết, thời gian qua, Hội đã hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp làm thủ tục kinh doanh miễn phí, đồng thời giúp các em tạo mạng lưới kết nối với các doanh nhân để được hỗ trợ. “Nếu các em có ý tưởng tốt mà chưa biết cách vận hành hoặc không có vốn, chúng tôi sẵn sàng làm bệ đỡ”, ông Bình nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, phát triển khởi nghiệp không chỉ ở chiều rộng mà còn cần chú trọng chiều sâu. Do đó, năm 2018, cần tập trung mảng nghiên cứu - phát triển và ươm tạo. Dự kiến đến đầu 2018 sẽ ban hành đề án “Đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2020”.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường xây dựng quan hệ hợp tác với các đại sứ quán, các vườn ươm ở Israel, Ireland… nhằm xây dựng các chương trình liên kết, trao đổi kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp. Năm 2018, Đà Nẵng sẽ cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, trong đó có việc triển khai dự án Trung tâm đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp Đà Nẵng.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực tài chính để thành lập các quỹ đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm, đồng thời đề xuất thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của thành phố. Đà Nẵng cũng sẽ triển khai chương trình hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp với tỉnh Quảng Nam.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.