Đà Nẵng cần tiếp tục đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư

.

Sáng 28-2, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề về cơ hội đầu tư phát triển kinh tế của Đà Nẵng sau APEC 2017 và Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng. Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau Năm APEC 2017, Việt Nam đứng trước các cơ hội được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện chuyển dịch dòng vốn từ nước ngoài, đặc biệt là từ khu vực Đông Bắc Á vào trong nước. Trong đó, các ngành có lợi thế vượt trội là du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin - truyền thông… Ngoài vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn có dư địa cải cách lớn, thị trường rộng mở và hiện thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế sau thành công của Năm APEC 2017.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam, Đà Nẵng đang có lợi thế của “người đi sau”, có chính quyền kiến tạo chuyên nghiệp, là nơi tập trung của du lịch, dịch vụ thương mại, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và công nghiệp công nghệ cao. Để tận dụng tốt các cơ hội, Đà Nẵng cần rà soát lại định hướng phát triển, chính sách kêu gọi vốn đầu tư kinh doanh, làm cơ sở làm việc với các đối tác. Ngoài ra, thành phố cũng cần tiếp tục đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết ngay các vướng mắc của doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đối với các DN trong nước, cần nâng cao chuẩn mực sản xuất, chủ động tham gia kết nối và mở rộng thị trường…

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa đối với nền kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ một số mô hình kết nối DN hiệu quả trên cả nước như mô hình hiệp hội DN thống nhất, cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập, cà-phê doanh nhân, nhóm công tác đặc biệt chuyên giải quyết các khó khăn của DN, cơ chế chấm điểm chính quyền. Theo đó, doanh nhân không chỉ cần có trách nhiệm với DN của mình, mà còn với cộng đồng DN và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

KHANG NINH - THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.
.