Cầu đi bộ vượt đường Nguyễn Tri Phương: Chưa khánh thành đã gây thắc mắc

.

Thời gian gần đây, nhiều người dân lưu thông trên đường Nguyễn Tri Phương, đoạn gần Công viên 29-3, rất ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy cây cầu đi bộ bắc ngang qua đường. Điều khiến nhiều người khó hiểu là ngoài hai điểm lên xuống ở hai bên mép đường thì ngay giữa cầu lại có một lối đi bộ dẫn xuống dải phân cách giữa hai làn đường.

Lối dẫn lên cầu đi bộ giữa dải phân cách đường Nguyễn Tri Phương là của dự án xe buýt nhanh.
Lối dẫn lên cầu đi bộ giữa dải phân cách đường Nguyễn Tri Phương là của dự án xe buýt nhanh.

Chị Hà Thị Thắm, làm việc trong sân bay quốc tế Đà Nẵng cho hay, hằng ngày đi làm về, chị đều đi ngang qua dưới cây cầu mới làm này và chị không hiểu vì sao cây cầu lại có lối dẫn xuống ngay giữa dải phân cách. Cùng thắc mắc này, bà Lê Thị Hà, bán hàng giải khát gần cầu vượt nói:

“Nếu làm cầu cho người dân đi sang Công viên 29-3, thì đâu cần phải làm cầu thang đi xuống dải phân cách như vậy?”. Hiện dư luận có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, việc xây dựng cầu đi bộ vượt đường Nguyễn Tri Phương là không hợp lý, lãng phí, gây mất mỹ quan đô thị…

Trước thắc mắc này, theo tìm hiểu, đây là cây cầu vượt thuộc hạng mục công trình hạ tầng, phục vụ hệ thống xe buýt nhanh (BRT) thuộc chương trình dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn vay.

Cầu được thiết kế với ba cầu thang, hai cầu thang lên xuống ở hai bên mép đường và một cầu thang lên xuống ngay giữa cầu, dẫn xuống dải phân cách. Cầu mới xây dựng từ đầu năm 2018 và đang trong quá trình hoàn thiện, lắp đặt.

Giải thích câu hỏi vì sao lại có lối dẫn lên xuống ngay giữa cầu, liệu có gây bất ổn về an toàn giao thông hay không, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, đây là lối dẫn lên xuống cho hành khách đi tuyến xe buýt BRT.

Là điểm dừng đón trả khách của tuyến BRT, nên việc thiết kế lối cầu thang lên xuống ở điểm dừng là hợp lý, không ảnh hưởng gì đến hoạt động giao thông của tuyến đường. Ngoài ra, người dân không đi xe buýt cũng có thể sử dụng cầu đi bộ này vượt đường Nguyễn Tri Phương sang Công viên 29-3 và ngược lại, rất thuận tiện.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, việc xây dựng cây cầu đi bộ tại điểm đón, trả khách của tuyến BRT lúc đầu có thể gây hiểu nhầm trong người dân. Bởi vì, không phải ai cũng biết đây là cây cầu dùng cho việc đón trả khách xe buýt mà chỉ nghĩ rằng, cầu đi bộ có lối dẫn xuống dải phân cách.

Mặt khác, do đây là cây cầu đầu tiên trên địa bàn được xây dựng cho mục đích trên nên nhiều người còn nhầm lẫn. Khi cây cầu đưa vào vận hành sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến và trong khu vực…

Theo tìm hiểu, trên cơ sở hợp phần 2 dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, Ban quản lý Các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đã triển khai dự án hệ thống BRT với tổng vốn đầu tư 70,2 triệu USD. Theo đó, dự án BRT triển khai theo 3 tuyến, tuyến số 1 có điểm đầu từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn dài 24,76km. Dự án có thêm hai tuyến bổ trợ với tuyến BRT (R1) từ Công viên 29-3 đi thành phố Hội An và tuyến BRT (R2) từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đi Bà Nà.

Cùng với việc xác lập hướng tuyến BRT, dự án còn triển khai các hạng mục về đầu tư hạ tầng, hệ thống bán vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh (ITS), tín hiệu giao thông. Ngoài ra, dự án cũng có kế hoạch đầu tư mua sắm xe buýt gồm: 66 xe buýt tiêu chuẩn, trong đó có 36 xe BRT và 30 xe buýt thường.

Ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố thông tin thêm, để triển khai thực hiện dự án hệ thống BRT, Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố đã trao thầu cho các nhà thầu được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh trong nước (NCB). Đến nay, việc triển khai thi công dự án đã cơ bản đáp ứng được kế hoạch đề ra.

Trong đó, đã hoàn thiện hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và sắp tới bàn giao cầu vượt tại điểm đón trả khách trên tuyến BRT này. Việc ra đời hệ thống xe buýt BRT tại Đà Nẵng cũng là tiền đề để ngành Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới các tuyến xe buýt và các loại hình vận tải công cộng khác nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.
.