Sau 15 năm, dù đã 4 lần công bố quy hoạch, dự án di dời ga Đà Nẵng vẫn chưa được triển khai. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn để thực hiện dự án này.
Ga đường sắt Đà Nẵng hiện quá chật chội do nằm trong nội thành. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam đi qua địa phận Đà Nẵng có tổng chiều dài khoảng 30km qua các ga Hải Vân Nam, Kim Liên, Thanh Khê, Đà Nẵng, Lệ Trạch... trong đó, ga Đà Nẵng là ga chính.
Từ chỗ nằm ở vùng ven, mỗi ngày đón trả vài trăm khách, đến nay, ga Đà Nẵng đón hơn 2.500 hành khách mỗi ngày và nằm giữa trung tâm thành phố nên khi các đoàn tàu ngược, xuôi phải vào trung tâm gần 10km để đón, trả khách rồi mới tiếp tục lên đường.
Bên cạnh đó, mật độ dân số tăng, lưu lượng phương tiện trong khu vực tăng cao khiến cho chung quanh ga Đà Nẵng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông… Cách đây 2 năm, ngày 4-11-2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 363/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, dự án di dời ga đường sắt được triển khai theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với yêu cầu ga đường sắt mới phải đáp ứng quy hoạch phát triển thành phố về lâu dài, nhà ga văn minh, hiện đại… Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với các bộ, ngành, nhiều vấn đề nảy sinh, đặc biệt là nguồn vốn để bố trí cho dự án và việc giải tỏa đền bù.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lê Văn Trung, thời gian qua, thành phố đã nhiều lần làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Trên cơ sở kết quả thống nhất giữa Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi làm việc ngày 29-5-2017 và tại Văn bản số 8162/UBND-SGTVT ngày 14-10-2017 của UBND thành phố, Bộ GTVT đã có Công văn hỏa tốc số 13430/BGTVT-ĐTCT ngày 28-11-2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phân kỳ đầu tư thực hiện trước giai đoạn 1 của dự án với kinh phí hơn 3.300 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện khi Nhà nước cân đối được nguồn vốn. Trong đó, hình thức và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 là đầu tư công kết hợp doanh nghiệp tự đầu tư.
Cơ cấu nguồn vốn như sau: thành phố Đà Nẵng góp vốn hơn 1.100 tỷ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ khu vực nhà ga cũ. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tự đầu tư 86 tỷ đồng thông qua hình thức hợp tác kinh doanh. Ngân sách Trung ương bố trí là hơn 2.100 tỷ đồng.
Ga đường sắt Đà Nẵng hiện gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn di dời. |
Tuy nhiên, hiện nay, dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Ngày 25-1-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 914/VPCP-CN, trong đó nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ KH&ĐT và các bộ liên quan thống nhất về nguồn vốn để thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Sau đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã kiến nghị, trường hợp không thể bố trí vốn trong giai đoạn trước năm 2020 thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương về bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 để Bộ GTVT và thành phố có cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Bộ GTVT cũng đã giao Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt phối hợp cùng sở, ban, ngành của thành phố tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nghiên cứu hoàn chỉnh phương án đầu tư, thống nhất về nguồn vốn để thực hiện.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc nghiên cứu đề xuất nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án này trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Để sớm triển khai các thủ tục liên quan, đẩy nhanh dự án, ngày 8-6-2018, Sở GTVT đã chủ động mời Ban QLDA đường sắt làm việc để hoàn chỉnh phương án đầu tư. Theo đó, các bên liên quan thống nhất đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 là đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp doanh nghiệp đầu tư, riêng phần ngân sách Trung ương là hơn 2.100 tỷ đồng. Đối với phần ngân sách Trung ương đề nghị đưa vào danh mục dự án cấp bách sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020.
Phương án 2 là đầu tư từ nguồn vốn hợp tác kinh doanh, vốn của khu vực tư nhân và nguồn thu thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ nhà ga cũ. Trong đó, kêu gọi tư nhân đầu tư (không tính lãi) và thanh toán bằng nguồn khai thác quỹ đất, phần còn lại sẽ được thanh toán từ nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025.
Theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi do chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới và Liên doanh tư vấn trong nước lập, thì dự án ga Đà Nẵng có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 5.700 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với tổng kinh phí khoảng hơn 3.300 tỷ đồng, gồm: xây dựng tuyến đường sắt mới dài 18,26km; nhà ga hành khách mới; nâng cấp ga Lệ Trạch để đảm nhận khối lượng xếp dỡ của ga Đà Nẵng hiện tại; 2 cầu đường sắt và 1 cầu đường bộ vượt đường sắt; 4 đường ngang và hệ thống thông tin tín hiệu bảo đảm phục vụ chạy tàu. Giai đoạn 2 với kinh phí khoảng hơn 2.300 tỷ đồng, gồm: xây dựng mới ga hàng hóa Kim Liên; 4 cầu vượt và đầu tư đồng bộ hệ thống thông tin tín hiệu với dự án Vinh - Nha Trang. Tổng số hộ giải tỏa đền bù là khoảng hơn 2.500 hộ. |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN