Quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất nhiều yêu cầu; trong đó, để một sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới không chỉ phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa, mà còn phải bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ), môi trường làm việc thân thiện...
Để sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhiều năm qua, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung đã xây dựng quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, vừa bảo đảm người lao động làm việc trong điều kiện an toàn, cải thiện thu nhập. |
Từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực vào ngày 1-5-2013, các cơ quan chức năng, DN và NLĐ đã bắt đầu quan tâm và thực hiện đúng những quy định của luật. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2013 đến nay, qua kiểm tra thực tế tại các DN, việc sử dụng lao động, môi trường làm việc thân thiện và bảo đảm các quyền lợi của NLĐ như: an toàn lao động, xử lý mâu thuẫn phát sinh giữa người sử dụng lao động và NLĐ đã có chuyển biến tích cực. Tại các DN, hoạt động đối thoại giữa người quản lý lao động và NLĐ, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lập hòm thư ghi nhận đóng góp của NLĐ đã được triển khai.
Hằng năm, UBND thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố, Công đoàn Các khu công nghiệp và khu chế xuất đều tổ chức đối thoại với NLĐ ở từng nhóm ngành, nghề. Nhờ đó, vài năm qua, tại Đà Nẵng hiếm khi xảy ra tình trạng công nhân lãn công phản đối chủ DN và khiếu kiện.
Điển hình là số lượng đơn thư khiếu kiện, tố cáo của NLĐ trong năm 2017 giảm đến 41,38% so với năm 2016. Ngược lại, số lao động được ký kết hợp đồng lao động tăng lên, đạt 98,35%. Số DN ký kết thỏa ước lao động tập thể tăng 1,3% so với năm 2016. DN gửi bảng lương của NLĐ đến cơ quan quản lý năm 2017 cũng tăng 22% so với năm trước.
Gập ghềnh lên “doanh nghiệp sạch”
Mặc dù đạt kết quả ban đầu như trên, nhưng để trở thành “DN sạch”, tức DN không chỉ sản xuất sản phẩm chất lượng mà còn biết đặt quyền lợi của NLĐ lên hàng đầu và luôn hướng đến môi trường làm việc an toàn, thân thiện; tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế, các DN và cả ngành chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng, đặc điểm chung của DN tại thành phố là có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Trung bình mỗi DN chỉ có 13 lao động và vốn hoạt động chỉ 12 tỷ đồng/DN.
Chính quy mô quá nhỏ lẻ khiến nhiều DN vẫn hoạt động theo dạng gia đình, việc thực thi đúng quy định của pháp luật về môi trường làm việc, công tác bảo vệ môi trường khó bảo đảm. Chị Nguyễn Thị Hồng Tuyết (phường Hòa An, quận Liên Chiểu), chủ cơ sở làm thiệp xuất khẩu cho biết:
“Cơ sở làm thiệp giấy của chúng tôi đã tồn tại gần 5 năm nay, sản phẩm bán ra thị trường trong nước và một số nước trong khu vực. Thế nhưng, đầu năm 2018, khi nhận được đơn đặt hàng của một DN ở Mỹ thì chúng tôi phải tạm dừng cả tháng... để thay đổi nhiều thứ. Đầu tiên là đối tác yêu cầu chúng tôi sửa nhà xưởng và lắp máy lạnh cho NLĐ làm việc, rồi thay đổi loại keo dán không ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ và cam kết tăng lương theo ký kết cho NLĐ. Theo giải thích của đối tác, họ chỉ mua sản phẩm của “DN sạch”.
Cũng theo khảo sát của VCCI Chi nhánh Đà Nẵng, có đến 75% DN cho rằng, vướng mắc lớn nhất của DN là việc đối thoại với NLĐ để tháo gỡ những khó khăn giữa đôi bên. Tại hội thảo về mối quan hệ giữa chủ DN và NLĐ diễn ra tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 9-2018, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, lâu nay nhiều người còn nghĩ rằng, đối thoại tức là DN đi giải quyết những yêu cầu, đòi hỏi của NLĐ; trong khi đó, bản chất của đối thoại là cùng bàn giải pháp sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Chỉ trên cơ sở này mới cải thiện được nhiều thứ như: môi trường lao động, thu nhập, tăng năng suất lao động...
Còn theo đại diện Liên đoàn Lao động thành phố, một trong những tồn tại chính là tỷ lệ DN tổ chức đối thoại định kỳ còn mang tính hình thức, không ít DN lúng túng trong công tác này, thành phần tham dự đối thoại cũng chưa đúng và đủ theo yêu cầu. Đồng tình với nhận định này, đại diện của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho rằng, để đối thoại hiệu quả và không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, Công đoàn cơ sở nên chia nhỏ các cuộc đối thoại theo dạng chuyên đề để bảo đảm hiệu quả, tránh dàn trải.
Chính vì vậy, để trở thành “DN sạch” với các đối tác nước ngoài, DN Đà Nẵng cần lưu ý tuân thủ những quy định chặt chẽ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bài và ảnh: THANH VÂN