Kinh tế

Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp

09:01, 29/11/2018 (GMT+7)

Trong xu hướng phát triển của nhóm ngành du lịch-dịch vụ, việc người lao động (NLĐ) thường xuyên dịch chuyển, thay đổi nơi làm việc dẫn đến nhiều xáo trộn, khó khăn trong công tác nhân sự ở các doanh nghiệp (DN). Vì vậy, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ lao động ổn định, bởi NLĐ ít có động cơ rời bỏ DN này để chuyển đến một DN khác khi điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ lao động tại các DN giống nhau.  

Hội nghị thương lượng thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp du lịch lần cuối do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức để chuẩn bị các điều kiện cho việc ký kết vào tháng 12-2018.
Hội nghị thương lượng thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp du lịch lần cuối do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức để chuẩn bị các điều kiện cho việc ký kết vào tháng 12-2018.

Hành trình đạt sự thỏa thuận

Sau gần 3 năm ký kết và thực hiện TƯLĐTT thí điểm trong nhóm DN du lịch đầu tiên tại Việt Nam đạt nhiều kết quả khả quan, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tiếp tục triển khai tổ chức thí điểm nhân rộng TƯLĐTT nhóm. Năm 2018, thực hiện thí điểm Chương trình khung khổ Quan hệ lao động mới (NIRF) giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, LĐLĐ thành phố triển khai kế hoạch về tổ chức thí điểm nhân rộng TƯLĐTT nhóm lần này tại 16 DN du lịch-dịch vụ. Theo đó, LĐLĐ thành phố tập huấn thúc đẩy thương lượng tập thể DN/nhóm DN cho nhóm thí điểm và cán bộ Công đoàn tại 16 DN, đơn vị dự kiến tham gia thí điểm; tổ chức 2 đợt khảo sát với 860 phiếu về việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, tiến hành thương lượng nhóm chung... Đến thời điểm này, cơ bản các nội dung thương lượng hoàn tất, dự kiến lễ ký kết sẽ diễn ra vào cuối tháng 12-2018 với 10 DN tham gia.  

Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, Trưởng nhóm đàm phán về vấn đề này cho biết, mục tiêu của việc mở rộng thí điểm này là mong muốn đời sống NLĐ lĩnh vực này ngày càng được cải thiện hơn, bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa DN với NLĐ. Để có được sự phối hợp, đồng thuận từ các chủ DN, rõ ràng những lợi ích thiết thực do TƯLĐTT nhóm mang lại không những cho NLĐ, mà tại DN đã có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất làm việc của NLĐ tăng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN là không thể phủ nhận.

Nhớ lại quá trình triển khai thực hiện thí điểm về thương lượng tập thể nhóm DN và xây dựng bản TƯLĐTT nhóm DN lần đầu từng gặp không ít khó khăn, ông Hoàng Hữu Nghị chia sẻ: “Để đạt được thỏa thuận và đi đến ký kết vào tháng 1-2016, nhóm đã mất gần 2 năm với 11 lần dự thảo nội dung TƯLĐTT nhóm DN, lấy ý kiến tham gia của NLĐ, người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn và 9 buổi thương lượng tập thể, cùng với nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện LĐLĐ thành phố với 4 DN thuộc ngành du lịch-dịch vụ (Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), Công ty CP Khách sạn SaigonTourane, Công ty TNHH Du lịch-Thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt) trên địa bàn thành phố”.

Bảo đảm quyền lợi của người lao động tốt hơn

TƯLĐTT nhóm được ký kết vào năm 2016 đã mang lại quyền lợi cho khoảng 700 NLĐ (với gần 60% là lao động nữ). Nhiều nội dung quan trọng được thống nhất trong TƯLĐTT. Nội dung thành công nhất mà thỏa ước đạt được là mức lương tối thiểu trả cho NLĐ (chưa qua đào tạo) tại 4 DN cao hơn ít nhất 3,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lao động chưa qua đào tạo nghề của thỏa ước này (tăng ít nhất 10,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định); tăng mức phụ cấp ăn giữa ca và các khoản trợ cấp khác. Các điều khoản này được xem như mức sàn được áp dụng chung cho cả 4 DN trên và khuyến khích những DN có những ưu đãi cao hơn cho NLĐ. Đây là là cơ sở pháp lý để NLĐ và người sử dụng lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong DN, hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Dự thảo bản TƯLĐTT nhóm nhân rộng lần này tiếp tục vận dụng 12 nội dung theo TƯLĐTT nhóm ngành du lịch-dịch vụ đã ký kết năm 2016. Tại các buổi thương lượng cho thấy TƯLĐTT của DN đang duy trì đều tương đồng với các nội dung đề xuất thương lượng của LĐLĐ thành phố. Hai bên cơ bản được thống nhất hầu hết nội dung thương lượng. Tuy nhiên, lãnh đạo các DN đề nghị nội dung về thời gian thông báo tiền thưởng cuối năm tại DN là 15 ngày (dự thảo đề xuất là chậm nhất 30 ngày trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán).  

Như vậy, bản TƯLĐTT nhóm quy định mức sàn, là cơ sở để mỗi DN tùy theo điều kiện của mình, có thể xây dựng và ký bản TƯLĐTT của từng đơn vị. Tại hội nghị thương lượng TƯLĐTT nhóm DN du lịch lần cuối, ông Phan Đức, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An cho rằng: TƯLĐTT nhóm sẽ mang lại cho NLĐ những lợi ích thiết thực, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN. Đây cũng chính là một cách quảng bá hình ảnh của DN có những chính sách quyền lợi tốt cho NLĐ.

Bài và ảnh: NGỌC CHÂN

.