Kinh tế
Giữ chân du khách ở chợ đêm
Đà Nẵng vừa hình thành chợ đêm Sơn Trà và dự kiến sẽ có thêm phố đi bộ- chợ đêm Bạch Đằng để phục vụ du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, làm sao để những nơi này trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách khi đến Đà Nẵng là vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Những sản phẩm mang tính địa phương, độc đáo sẽ tạo được dấu ấn riêng cho chợ đêm, phố đi bộ. Ảnh: THU HÀ |
Từ khi chợ đêm Sơn Trà (ở khu vực tuyến đường Mai Hắc Đế - Lý Nam Đế, quận Sơn Trà) đi vào hoạt động, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã phản hồi khá tích cực. Khu vực này cũng đang dần trở thành điểm đến của nhiều du khách, nhất là những ngày cuối tuần. Bên cạnh những mặt hàng được bày bán như: túi xách, ví, các loại trang sức, quần áo…, có một gian hàng thu hút rất đông khách quốc tế đến tham quan, mua sắm là gian hàng đồ lưu niệm, quà tặng. Gian hàng bày bán những món đồ trang trí bằng gỗ được làm thủ công in hình ảnh cầu Rồng, vòng quay mặt trời, nhà thờ Chánh Tòa…, mang dấu ấn Đà Nẵng.
Một trong những món đồ thu hút khách quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc của gian hàng này là những chiếc nón lá Việt Nam với hình ảnh cành đào phơn phớt hồng, con thuyền trên sông hay cô gái mặc áo dài, đội nón lá… được vẽ trực tiếp lên sản phẩm. Trong khi chờ chủ gian hàng hoàn thiện những nét vẽ cuối cùng lên chiếc nón lá, anh Park Jung Seo - du khách Hàn Quốc và những người bạn đi cùng vui vẻ nói chuyện với nhau. Họ lần lượt ướm thử những chiếc nón lên đầu. Anh Park Jung Seo bày tỏ: “Nón lá là đặc trưng của Việt Nam. Chúng tôi rất thích hình ảnh người con gái Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá nên đã mua để sử dụng trong những ngày tham quan ở Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, theo nhiều du khách, những món đồ được bày bán ở chợ đêm còn khá nghèo nàn. Dành khá nhiều thời gian để dạo quanh khu vực chợ đêm Sơn Trà trong khi chờ xem cầu Rồng phun lửa, phun nước, chị Lilly Poegel (du khách đến từ Australia) tỏ ra khá tiếc nuối: “Tôi được các bạn lễ tân ở khách sạn giới thiệu nên biết đến chợ đêm này. Tôi đến đây với hy vọng sẽ mua được món đồ gì đó đặc trưng của Đà Nẵng để làm kỷ niệm nhưng những món đồ được bày bán ở đây khá đại trà, cũng giống như ở chợ Hàn mà tôi đã ghé hay giống ở Hội An, thành phố Huế mà tôi đã đi qua…”.
Chọn mua một chiếc túi cói nhỏ, chị Vũ Thị Hòa (du khách đến từ Thanh Hóa) chia sẻ: “Không gian của chợ đêm khá rộng rãi, thông thoáng nhưng các mặt hàng ở đây khá đơn điệu. Chẳng hạn như chiếc túi tôi chọn mua cũng giống như túi được bày bán tại cửa hàng trên các tuyến phố ở Đà Nẵng. Giá mà những chiếc túi này được thêu hoặc in thêm dòng chữ Đà Nẵng, hay hình ảnh biểu trưng của thành phố thì sẽ thú vị hơn”.
Anh Jimmy Đặng (chủ gian hàng quà tặng lưu niệm tại chợ đêm Sơn Trà) cho hay, du khách nói chung và khách quốc tế nói riêng thường chọn cho mình những món đồ mang đặc trưng của địa phương, vùng miền nơi họ đến. Vì vậy, anh phải nghiên cứu để mang đến cho du khách những sản phẩm độc đáo, khác lạ. “Thành phố nên quảng bá, giới thiệu về chợ đêm này nhiều hơn nữa để thu hút khách du lịch. Có thể bằng cách thông qua lời giới thiệu của các hướng dẫn viên khi dẫn đoàn hoặc đưa chợ đêm vào danh sách các điểm đến của tour du lịch Đà Nẵng...”, anh Jimmy Đặng nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Nguyên (quản lý của cửa hàng quà lưu niệm trên đường Yên Bái - Nguyễn Thái Học) lại cho rằng, nên thành lập chợ đêm ở những tuyến phố có người dân ở và kinh doanh tại nhà thì sẽ thuận lợi hơn. Khi đó tuyến phố có thể hoạt động cả ngày và đêm thay vì chỉ hoạt động buổi tối và sử dụng những gian hàng di động. “Tôi thấy một số khách quốc tế khu vực Đông Bắc Á thường thích những món đồ được làm thủ công như: đèn lồng, nón lá, túi cói, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… vì dễ mang đi, giá thành phải chăng. Bên cạnh đó, khi hình thành phố đi bộ, chúng ta nên chọn những vị trí đông khách du lịch qua lại và có thêm các chương trình nghệ thuật hấp dẫn.
Như vậy mới có thể giữ chân du khách ở Đà Nẵng lâu hơn”, anh Nguyên nói. Ở góc độ đơn vị tổ chức, quản lý chợ đêm Sơn Trà, ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty DHTC Đa Năng cho biết, hiện nay đơn vị đang lựa chọn, tìm kiếm những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng để phục vụ cho du khách tại chợ. “Cần có thời gian, lộ trình để triển khai các hạng mục tiếp theo. Hiện nay chúng tôi đang thí điểm một số hoạt động biểu diễn tại sân khấu để phục vụ du khách khi đến với chợ đêm. Tới đây khi đã có một lượng khách ổn định thì triển khai, làm phong phú thêm các hoạt động tại chợ đêm”, ông Ca nói.
Một trong những sản phẩm được vẽ bằng tay được du khách Hàn Quốc yêu thích, chọn mua. |
Về phía quận Sơn Trà, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận cho hay, để chuẩn bị cho các hoạt động của chợ đêm, địa phương đã tổ chức tập huấn và phổ biến các quy định tại chợ đêm Sơn Trà cho các tiểu thương. Các nội dung được chú trọng là: văn minh thương mại, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trang trí, sắp xếp hàng hóa, quy định về niêm yết giá, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ… Bên cạnh đó, các tiểu thương kinh doanh tại chợ đêm Sơn Trà còn được bổ sung thêm về ngoại ngữ để thuận tiện hơn trong giao tiếp với du khách. “Tôi mong muốn khi đi vào hoạt động, chợ đêm sẽ tạo được sự khác biệt, độc đáo.
Tuy nhiên, đây là cả một quá trình nên cần có thời gian để hoàn thiện. Trước mắt, chúng tôi đang cố gắng vận động các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương để làm phong phú các mặt hàng hấp dẫn du khách”, ông Nam cho biết. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, việc hình thành phố đi bộ, chợ đêm không phải là trưng bày các gian hàng mà quan trọng là tạo dựng được nét văn hóa của địa phương, phải nghiên cứu kỹ xem nhu cầu của du khách cần gì, muốn gì thì mới mang lại hiệu quả lâu dài.
Bài và ảnh: SONG KHUÊ