Các vấn đề cuộc sống chính là bài toán cho khởi nghiệp

.

Ngày 30-11, tại Diễn đàn Đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được tổ chức tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, quá trình phát triển của Việt Nam đặt ra rất nhiều bài toán cần giải quyết, thuộc các lĩnh vực gần gũi với đời sống thường ngày như: giao thông, y tế, giáo dục... Những bài toán này có trở thành cơ hội cho khởi nghiệp ĐMST hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm, lựa chọn của các nhà khởi nghiệp.

Techfest 2018 mở ra cơ hội kết nối với khách hàng, cố vấn, nhà đầu tư… cho các dự án khởi nghiệp. Ảnh: KHANG NINH
Techfest 2018 mở ra cơ hội kết nối với khách hàng, cố vấn, nhà đầu tư… cho các dự án khởi nghiệp. Ảnh: KHANG NINH

Diễn đàn được xem là một trong những sự kiện điểm nhấn của Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest) 2018.

Chính phủ đồng hành với khởi nghiệp

Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mặc dù việc phát triển cộng đồng và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, các cơ quan Nhà nước - đặc biệt là Chính phủ đang rất quan tâm và thực sự mong muốn thúc đẩy cộng đồng này phát triển.

Chính phủ hiểu rõ các thách thức mà khởi nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Ngoài những vấn đề về vốn, hạ tầng, pháp lý, giáo dục, nguồn nhân lực, khó khăn nhất hiện nay là việc tạo lập một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng. Nguồn dữ liệu này được đóng góp từ Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, trước hết tập trung vào những lĩnh vực như: giáo dục, y tế, du lịch, thanh toán điện tử, nông nghiệp…

Đây là yêu cầu được nêu ra trong đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, trong đó chú trọng sự đóng góp tri thức của người dân thông qua việc đặt các câu hỏi về những vấn đề họ gặp phải trong cuộc sống. “Khi nhiều người cùng quan tâm về một vấn đề thì đó là cơ hội của các doanh nghiệp khởi nghiệp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, đối với khởi nghiệp ĐMST, Chính phủ là cơ quan hỗ trợ, đồng hành, chăm lo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường để nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời. Chính phủ cũng đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế. Đây là xu hướng chung của thế giới và nhiều quốc gia đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, trí thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả.

Đối với Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhận định những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được hình thành nhờ những chính sách mạnh mẽ, sáng tạo của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng nhận thức rằng, đây là hệ sinh thái còn non trẻ, với nhiều vấn đề mới phát sinh, cần những câu trả lời thỏa đáng. Ông Đặng Việt Dũng bày tỏ hy vọng thông qua Techfest 2018, Đà Nẵng sẽ tìm được hướng giải quyết các bài toán trong việc xây dựng, kết nối các nguồn lực để phát triển khởi nghiệp ĐMST.

Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều đại biểu chia sẻ các bài học trong việc Chính phủ hỗ trợ sự phát triển của khởi nghiệp. Tiến sĩ Susan Amat, Chủ tịch Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu đề xuất, để thu hút được các quỹ đầu tư và các tài năng khởi nghiệp, ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung cần tạo một môi trường sống và làm việc thuận lợi, phù hợp với nhu cầu của họ.

Trong khi đó, ông Peter Ong, Chủ tịch Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Singapore chia sẻ bài học: “Singapore có lợi thế chính từ diện tích nhỏ, nên mọi người tương tác với nhau rất dễ dàng. Các quỹ đầu tư, cố vấn, cơ sở đào tạo…có thể nằm cách các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ vài phút đi xe. Hơn nữa, Chính phủ Singapore có nguồn quỹ riêng cho khởi nghiệp, giúp họ vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu. Đây cũng là yếu tố giúp thu hút được các dự án khởi nghiệp từ nhiều quốc gia khác”.

Mở ra nhiều cơ hội kết nối

Trong khuôn khổ Techfest 2018, một loạt hội thảo chuyên đề về khởi nghiệp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch… tọa đàm về đầu tư mạo hiểm, chương trình kết nối 1:1 giữa dự án khởi nghiệp và nhà đầu tư cũng được tổ chức.

Trao đổi tại hội thảo chuyên đề khởi nghiệp du lịch, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, Trưởng làng khởi nghiệp du lịch Techfest 2018 nhìn nhận, các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng hiện đối mặt với 3 khó khăn chính. Thứ nhất, không dễ để các dự án tìm nguồn nhân sự có khả năng chuyên môn và có kỹ năng khởi nghiệp. Để làm được điều này, cần có một hệ sinh thái gần như hoàn chỉnh, trong khi hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Đà Nẵng vẫn còn khá mới mẻ.

Techfest 2018 mở ra cơ hội kết nối với khách hàng, cố vấn, nhà đầu tư,…cho các dự án khởi nghiệp.
Techfest 2018 mở ra cơ hội kết nối với khách hàng, cố vấn, nhà đầu tư,…cho các dự án khởi nghiệp.

Thứ hai, Đà Nẵng chưa có thị trường để thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp trước khi dự án thành lập doanh nghiệp. Thứ ba, ở Đà Nẵng hiện vẫn còn khá ít nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư mạo hiểm, muốn gọi vốn, các dự án phải chủ động đi tìm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc ra nước ngoài. Song ông Quân cho rằng, nếu các dự án khởi nghiệp biết cách nắm bắt cơ hội, Techfest 2018 có thể giúp đưa ra lời giải cho các bài toán trên. Đây là dịp để các dự án tìm kiếm nhân sự, kết nối với các cố vấn, nhà đầu tư, quảng bá sản phẩm.

Ông Jason Lusk, người sáng lập tổ chức Clickable Vietnam, Giám đốc Sáng kiến Mekong về khởi nghiệp du lịch Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á – hiện là thị trường du lịch vùng lớn nhất trên thế giới. Ông Lusk gợi ý một số cơ hội để các dự án khởi nghiệp du lịch Đà Nẵng nghiên cứu, trong đó có việc đưa ra giải pháp cho sự phát triển quá mức, kết nối liên vùng, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, giao thông đa hình thức…

Tại phiên hội thảo về công nghiệp 4.0, nhiều đại biểu đưa ra các hiến kế cho Chính phủ Việt Nam nói chung và chính quyền Đà Nẵng nói riêng trong việc xây dựng chính phủ/chính quyền thông minh. Ông Mitchell Phạm, Giám đốc Augen Software Group (New Zealand) cho rằng, một chính quyền điện tử cần làm chủ 3 công nghệ: công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; ngoài ra, cần nghĩ theo hướng thành lập các liên minh chính quyền/chính phủ điện tử thì mới có thể giải quyết được các bài toán lớn về kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, ông Greg Kushnir, Chủ tịch Công ty Tatau (dịch vụ trí tuệ nhân tạo), New Zealand chia sẻ: “Điểm chung giữa các đô thị thông minh ở Mỹ, Anh, New Zealand, Dubai… là lấy chính mỗi cá nhân làm một nguồn dữ liệu. Chỉ khi dữ liệu được cá nhân hóa đến mức độ đó thì mới có thể có y tế thông minh, giao thông thông minh…”

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.