Tạo thế và lực mới cho xuất khẩu hàng hóa - Bài 2: Thị trường mở rộng

.

Dù còn một số khó khăn, hoạt động xuất khẩu của thành phố đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường với việc nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Bên cạnh giữ ổn định và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường truyền thống, nhiều DN đã và đang chủ động đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, mua sắm máy móc với công nghệ tân tiến để đón đầu vận hội mới.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Đà Nẵng đã chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Đà Nẵng đã chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Sở Công thương, thị trường xuất khẩu của thành phố đã mở rộng trên 120 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường lớn, giữ được tỷ trọng ổn định gồm Nhật Bản (chiếm 30-35%), Mỹ (17-20%), EU (khoảng 15%) và các nước khác từ 30-35%.

Trong khi kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường thì giữ vững và gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua các thị trường truyền thống, trọng điểm vẫn là ưu tiên hàng đầu để các DN có được sự ổn định và tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy mạnh phát triển.

Đối với Công ty CP Dệt may 29-3, EU vẫn là thị trường trọng điểm với tỷ trọng 50% trên tổng lượng hàng hóa xuất khẩu, các thị trường còn lại là: Mỹ (40%) và 10% là một số quốc gia khu vực châu Á.

Để giữ vững các thị trường truyền thống, công ty không ngừng đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm thiết bị, máy móc có công nghệ hiện đại trong ngành dệt may như: máy chạy vải tự động, máy ép keo tự động… Nhìn nhận về xu thế phát triển của ngành dệt may hiện nay, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 chỉ rõ:

“Các thị trường truyền thống ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và mẫu mã sản phẩm thay vì chạy theo số lượng như trước đây. Chính vì vậy, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thiết bị máy móc tân tiến và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là yêu cầu tất yếu và sống còn để chúng tôi giữ được bạn hàng và mở rộng tìm kiếm đối tác”.

Ở lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện thành phố có 878 DN công nghệ thông tin (CNTT). Thị trường xuất khẩu truyền thống là Nhật (chiếm 70%) và Mỹ (30%).

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng cho rằng, với lợi thế về cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đội ngũ nhân lực có tay nghề cao cùng môi trường sống sạch - đẹp và tiện ích, Đà Nẵng được đánh giá là thị trường tiềm năng đang thu hút nhiều nhà đầu tư và DN phần mềm vào tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Đối với các DN vừa và nhỏ, “cuộc chiến” để cạnh tranh và giữ vững các thị trường truyền thống càng khó khăn khi các yêu cầu về hàng rào bảo hộ của đối tác ngày càng khắt khe trong khi năng lực của DN vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế cho biết, hiện nay 25% tổng lượng sản phẩm của DN được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Để giữ chân bạn hàng khi cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt mục tiêu tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, nhưng không tăng giá.

Đặc biệt, công ty luôn bảo đảm có nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu 100% tại Việt Nam, cụ thể là cây quế của vùng Trà My (tỉnh Quảng Nam) và giữ vững 100% hàm lượng tự nhiên trong từng sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp này đầu tư kinh phí gần 100 triệu đồng/tháng nhằm quảng cáo các mặt hàng do công ty sản xuất trên các trang mua sắm trực tuyến lớn của thế giới…

Để mở rộng thị trường, nhất là các quốc gia tham gia vào Hiệp định thương mại tự do (FTA Việt Nam - EU), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)..., nhiều DN xuất khẩu đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất tăng hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm thay vì chạy theo số lượng, xuất khẩu thô như trước đây.

Năm 2019, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước có kế hoạch xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến tôm thịt tại Tiền Giang và mở rộng diện tích nuôi tôm lên 200ha (hiện nay, vùng nuôi tôm chính của công ty tại tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích 70ha). Đây là bước đi của DN nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như tăng công suất chế biến, tăng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và khai thác hiệu quả hơn thị trường Mỹ khi chính thức tham gia vào CPTPP.

Trong năm 2018, Công ty CP Dệt may 29-3 đã đưa vào hoạt động thêm 1 xưởng sản xuất có quy mô 12 dây chuyền với sức chứa gần 500 lao động, công suất 700 sản phẩm/một dây chuyền/ngày ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng ngày càng gia tăng.

Dự kiến năm 2019, công ty tiếp tục mở thêm 1 xưởng sản xuất khác có công suất 20 dây chuyền ngay trong khuôn viên 6 ha ở quận Thanh Khê nhằm tiếp cận những thị trường mới như Mexico, Canada…

Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ khẳng định, Hiệp định thương mại tự do (FTA-EU) hay CPTPP đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho DN xuất khẩu. Các thị trường truyền thống của ngành dệt may như Mỹ, EU, Nhật Bản… ngày càng khắt khe hơn trong việc tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường.

“Điều này đòi hỏi chúng tôi phải chuyển từ sản xuất gia công sang mua nguyên liệu bán thành phẩm, sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng với mong muốn mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có tác động lớn đến ngành dệt may buộc chúng tôi phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn về thiết bị cũng như nhân sự.

Do đó, vấn đề hiện nay của ngành dệt may không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng mà quan trọng phải không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân sự kỹ thuật, thiết kế, đội ngũ quản lý đơn hàng, marketing với trình độ cao hơn”, ông Nguyễn Đức Trị phân tích.

Để đón đầu xu thế phát triển, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Theo đó, từ năm 2016 đơn vị đã thành công trong việc thiết kế và xây dựng thương hiệu thời trang riêng- Merriman.

Cũng trong năm này, đơn vị đã góp vốn đầu tư Công ty CP Sợi Hòa Thọ - Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) với sản lượng trên 6.000 tấn/năm nhằm giải quyết bài toán khó về nguồn nguyên liệu cũng như thành công trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm sợi vào các nước có tham gia vào Hiệp định CPTPP như Mexico, Canada, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu phần mềm ở Đà Nẵng có nhiều cơ hội bởi các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng đặt hàng DN thành phố để gia công.

Đón đầu cơ hội này, nhiều DN đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đầu tháng 10-2018, Công ty FPT Software Đà Nẵng khởi công xây dựng tòa nhà FPT Complex giai đoạn 2 tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) để đủ chỗ làm việc cho 6.000 nhân viên.

Trong khi đó, Công ty CP V.B.P.O, đơn vị có tốc độ tăng trưởng đạt 100% qua nhiều năm, cũng đang có kế hoạch tìm kiếm và mở rộng thị trường Mỹ và châu Âu, ngoài thị trường truyền thống Nhật Bản.

Về định hướng thị trường xuất khẩu của thành phố trong thời gian tới, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao tốc độ xuất khẩu nhóm hàng có kim ngạch cao như: dệt may, thủy sản, sản phẩm cao su, động cơ, linh kiện điện - điện tử; đồng thời, tăng cường tỷ trọng xuất khẩu qua các thị trường chủ lực như Nhật Bản, Mỹ, EU.

Ngành dệt may sẽ hướng đến phát triển tại các thị trường giữ vai trò là trung tâm mua sắm của khu vực như Hồng Kông, Singapore và các thị trường mới hoặc kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế như Mexico, Peru, Canada, Chile, Úc, New Zealand, Papua New Guinea. Đối với ngành sản xuất động cơ, linh kiện điện - điện tử, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các DN, tập đoàn lớn trên thế giới.

Để hỗ trợ DN xuất khẩu mở rộng thị trường, UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách trên lĩnh vực công nghiệp như: chương trình khuyến công, phát triển công nhân lành nghề, xây dựng thương hiệu, phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Ngoài ra, hỗ trợ DN cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu, lộ trình thực hiện các cam kết hội nhập, giới thiệu cơ hội kết nối giao thương; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hà Bắc cũng nhìn nhận, các chương trình hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vẫn chưa đồng bộ; dịch vụ cung cấp thông tin thương mại cho DN còn yếu, thông tin nghèo nàn, thường lạc hậu so với biến động của thị trường.

Quy mô của chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường còn nhỏ, hiệu quả chưa cao và mới chỉ tập trung vào một vài thị trường trong khu vực như Lào, Thái Lan. Đà Nẵng cũng thiếu những nguồn nhân lực giỏi, chuyên gia hàng đầu về hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng logistics, một trong những dịch vụ quan trọng hàng đầu hỗ trợ xuất khẩu còn nhiều hạn chế, bất cập chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Các thị trường lớn, giữ được tỷ trọng xuất khẩu ổn định gồm Nhật Bản (chiếm từ 30-35%), Mỹ (từ 17-20%), EU (khoảng 15%) và các nước khác từ 30-35%.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.