Đà Nẵng - điểm đến hấp dẫn

.

Năm 2018, thành phố Đà Nẵng đã đón 7,66 triệu lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt 2,87 triệu lượt khách, tăng 23,3%, khách nội địa đạt 4,78 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2017; tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 24 nghìn tỷ đồng… Ngành du lịch thành phố tăng trưởng cả về chất lượng và số lượng.

Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ
Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ

Làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá

Một điểm đến có sức hút đối với khách du lịch thì điểm đến đó phải luôn có sự thay đổi, được làm mới. Năm nay, nhiều khu, điểm tham quan, du lịch của thành phố đã đầu tư, xây dựng nâng cấp, hoặc bổ sung thêm các sản phẩm du lịch mới để phục vụ khách du lịch như chợ đêm Sơn Trà, cầu Vàng tại Khu du lịch Bà Nà Hills…

Thành phố cũng đã có sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, nhất là cảng đón khách tàu biển, sân bay được mở rộng đã tạo thuận lợi rất nhiều cho hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, hệ thống lưu trú cũng tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, đến nay Đà Nẵng đã có 785 cơ sở lưu trú với 35.625 phòng, tăng 92 cơ sở với 6.835 phòng so với cùng kỳ năm 2017. Sự có mặt của các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới như IHG (Intercontinental, Crowne), Accor (Novotel, Pullman, Mercure), Hyatt, Marriott, Hilton… đã phần nào minh chứng cho sức hút của Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng tầm thương hiệu du lịch của Đà Nẵng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành, đánh giá, năm 2018 là năm thành công của Du lịch Đà Nẵng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều thị trường khách. Trong chuỗi các hoạt động thì công tác quảng bá xúc tiến là tiêu điểm trong năm với hàng loạt các chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Hội nghị Tàu biển châu Á-Thái Bình Dương tại Thượng Hải, Trung Quốc, quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Pháp…, tích cực tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước, đón nhiều đoàn khảo sát, hình thành nhiều kênh thông tin, nhiều công cụ mới để nâng cao hiệu quả truyền thông điểm đến. Với những nỗ lực đó, Đà Nẵng đã phần nào thu hút thêm các thị trường khách mới, ghi nhận sự gia tăng của một số thị trường khách như Nhật Bản, châu Âu-Úc-Mỹ, Đông Nam Á… bên cạnh hai nguồn khách lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochia Unique Tourist cho rằng, gần đây thành phố đã chủ động xúc tiến các thị trường xa, mời gọi các hãng hàng không quốc tế mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, nổi bật như đường bay Doha (Qatar) - Đà Nẵng mới được khai trương, khách từ những thị trường này là những nguồn khách lớn có chi tiêu cao, nếu điểm đến uy tín và chất lượng thì họ sẽ quay trở lại nhiều lần.

Nguồn khách quốc tế đến đông cho thấy Đà Nẵng vẫn đang là điểm đến có sức hút đối với du khách. Trong ảnh: Du khách Hàn Quốc tham quan thành phố.
Nguồn khách quốc tế đến đông cho thấy Đà Nẵng vẫn đang là điểm đến có sức hút đối với du khách. Trong ảnh: Du khách Hàn Quốc tham quan thành phố.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Nẵng, Đà Nẵng là địa phương có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp du lịch rất tốt. Ngay việc thành phố nỗ lực mở các đường bay mới là một ví dụ.

Trong năm 2018, Đà Nẵng đã có 5 đường bay mới được mở tới các điểm bay mới trên thế giới, điều này đem lại thuận lợi vô cùng cho Đà Nẵng nói chung và ngành du lịch nói riêng. “Vì thế, trong tương lai, thành phố và doanh nghiệp đều phải nỗ lực hơn nữa, trong đó, thành phố cần thay đổi các chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện; các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch, đổi mới sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng điểm đến.

Khi thành phố và doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ nhau thì chắc hẳn du lịch Đà Nẵng vẫn là những điểm sáng trong phát triển kinh tế Đà Nẵng năm 2019”, ông Đoàn Hải Đăng nhìn nhận.

Thực tế, để phát triển du lịch đã khó, giữ được tốc độ phát triển của ngành còn khó hơn bởi điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Song, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Ngô Quang Vinh cho hay, ngành du lịch thành phố cũng đặt ra một số mục tiêu và giải pháp nhất định để phát triển du lịch của địa phương, trong đó có đổi mới tư quy phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch chủ lực theo nhu cầu, thị hiếu của du khách, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch công vụ, mua sắm, ẩm thực, giải trí…

Đồng thời, cơ quan chức năng đổi mới cách thức, nội dung trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và quản lý du lịch; ưu tiên phát triển thêm các đường bay từ các thị trường lớn như châu Âu, Úc, Mỹ, Ấn Độ và các thị trường gần đến Đà Nẵng.

Cùng với đó, tiếp tục có các cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư phát triển thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực ven biển… hướng tới mục tiêu thu hút và kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn của du khách, tạo ấn tượng về một điểm đến hấp dẫn, dịch vụ tốt, an toàn với du khách.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
.