Nơi hội tụ của những nhà khởi nghiệp

.

Đà Nẵng đang dần trở thành điểm đến ưa thích của nhiều nhà khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Có lẽ, mục tiêu trở thành một “Innovation Hub by the Sea” (“Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển”) của khởi nghiệp Đà Nẵng đang bắt đầu trở thành hiện thực.

Có nhiều tín hiệu khả quan về một “trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đang dần hình thành ở Đà Nẵng.
Có nhiều tín hiệu khả quan về một “trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đang dần hình thành ở Đà Nẵng.

Lần đầu tiên tôi được nghe đến cụm từ “Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển” tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng - SURF 2017. Anh Trần Vũ Nguyên, lúc đó là Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) khẳng định trước khoảng 2.000 quan khách trong và ngoài nước rằng, Đà Nẵng sẽ là nơi hội tụ của các nhà khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp... từ mọi nơi trên thế giới, là nơi mỗi người có thể tay cầm lon bia vừa đi dạo dọc trên bãi biển vừa bàn chuyện làm ăn.

Từ đó đến nay đã gần 1 năm rưỡi. Cách đây khoảng 1 tuần, một người bạn nhờ tôi đưa một người bạn khác đi ăn trưa mà nhất định phải là đồ ăn Đà Nẵng. Người bạn mới này là Rauno Varblas, trưởng một nhóm lập trình viên phần mềm quốc tế và từng là người sáng lập, người quản lý của một số tổ chức khởi nghiệp tại Estonia. Rauno cùng nhóm của mình sang Đà Nẵng và ở lại trong khoảng 1 tháng để vừa làm việc, vừa tận hưởng không khí trong lành của thành phố biển. Thấy lạ vì rõ ràng sát bên hông Estonia là biển Baltic, tôi hỏi Rauno tại sao lại phải cất công vượt hơn 8.000km để “hưởng không khí biển”, anh trả lời bằng cách cho tôi xem một đoạn video quay cảnh Estonia tuyết rơi trắng xóa. Anh bảo: “Đấy, giờ ở bên đó lạnh quá không làm việc nổi, phải đi Đà Nẵng tránh rét thôi”.

Rauno là một trong số rất nhiều “digital nomads” (tạm dịch: “du mục kỹ thuật số”, chỉ những người làm việc trực tuyến nên có thể vừa làm việc vừa đi mọi nơi) đã đến Đà Nẵng trong hơn một năm vừa qua. Những “du mục kỹ thuật số” này kết nối với cộng đồng khởi nghiệp, lập trình viên địa phương để hợp tác, tuyển dụng, mở rộng quan hệ làm ăn… Người này truyền tai người kia, những người như vậy mang theo cả những mối quan hệ trên khắp thế giới của mình đến Đà Nẵng.

Trong một buổi gặp mặt cuối năm của một số bạn bè trong giới khởi nghiệp Đà Nẵng, bỗng xuất hiện vài gương mặt “mới toanh”. Mới bởi vì họ là người Đà Nẵng, nhưng đã học tập và làm việc tại Mỹ, tại TP. Hồ Chí Minh... một thời gian dài rồi mới trở về. Có người mở xưởng sáng chế xe điện “made in Việt Nam” với nhiều tính năng độc đáo. Có người về tìm đối tác để thành lập một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Họ về theo lời mời gọi của bạn bè của mình tại Đà Nẵng và cũng vì nhìn thấy được tiềm năng của thị trường ở đây đối với các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp.

Hôm Đà Nẵng tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) vào cuối tháng 1-2019, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, Đà Nẵng là nơi có thể thu hút các chuyên gia công nghệ, các nhà khởi nghiệp mà không cần bỏ ra chi phí lớn. Lợi thế của Đà Nẵng chính là thiên nhiên, là yếu tố “bên bờ biển” trong cụm từ “Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển”. Ông Nam kể, một số chuyên gia mà ông từng làm việc cùng sẵn sàng tự bỏ tiền vé máy bay, khách sạn để đi công tác tại Đà Nẵng, bởi họ coi đó giống như chuyến đi du lịch, tận hưởng. Trên thực tế, ngay cả tỷ phú Jeff Hoffman (nhà sáng lập và điều hành Priceline) cũng tự chi trả mọi chi phí ăn ở, đi lại của mình khi đến Đà Nẵng để nói chuyện tại SURF 2017.

Đã có nhiều tín hiệu khả quan về một “trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đang dần hình thành nơi thành phố biển, song phải nhìn nhận thực tế khi chặng đường phía trước vẫn còn rất dài. Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc điều hành DNES cho rằng, yếu tố tiên quyết của một “trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” là hàm lượng công nghệ, kiến thức phải cao. Nhiều thành phố khởi nghiệp trên thế giới không quá mạnh về kinh tế, nhưng lại cực nổi tiếng bởi mạng lưới các trường đại học, các viện nghiên cứu. Đây là điều mà Đà Nẵng đã có nền tảng, nhưng chưa đủ lớn mạnh, chưa phát huy được hết tiềm năng. Có lẽ, đây chính là một trong những bài toán cụ thể mà thành phố sẽ phải tìm lời giải trong những năm tới.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.