Nguồn thịt heo tại Đà Nẵng được bảo đảm an toàn

.

Hiện nay, trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn ra, các cơ quan chức năng của thành phố khẳng định, nguồn thịt heo cung cấp cho thị trường Đà Nẵng ổn định và an toàn; người dân và du khách hoàn toàn yên tâm sử dụng thịt heo và các sản phẩm thực phẩm từ heo.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo trong siêu thị. Ảnh: VĂN HOÀNG
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo trong siêu thị. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực bán thịt heo ở các chợ trên địa bàn thành phố, lượng người mua thịt heo có sụt giảm, thế nhưng các tiểu thương vẫn duy trì việc buôn bán hằng ngày. Bên cạnh đó, tại nhiều nhà hàng, quán ăn, trên thực đơn vẫn chế biến các món liên quan đến thịt heo và các thực khách vẫn gọi món để dùng. Ông Nguyễn Ngọc Thọ (quận Hải Châu) chia sẻ: “Mấy ngày nay báo, đài đã tuyên truyền rất rõ là không có dịch ở Đà Nẵng và dịch tả heo không lây qua người nên gia đình tôi vẫn yên tâm ăn thịt heo bình thường”.

Tại chợ Cồn, nhiều tiểu thương ngành hàng thịt cho biết, đã thuyết phục khách hàng sử dụng thịt heo vì đến nay Đà Nẵng vẫn nằm trong vùng không bị dịch tả heo châu Phi; đồng thời, các cơ quan chức năng đang quyết liệt trong việc kiểm soát nguồn gốc thịt.

Chị Nguyễn Thị Hải, một tiểu thương bày tỏ: “Chị em chúng tôi kinh doanh mặt hàng thịt đã lâu năm, do đó cũng lo lắng đến an toàn sức khỏe của khách hàng cũng như chính mình. Cơ quan kiểm soát thực phẩm đã khẳng định không có dịch thì thịt heo vẫn an toàn. Người kinh doanh chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi hơn để người dân yên tâm sử dụng thịt hằng ngày”.

Trong khi đó, nhiều người dân vẫn tiêu dùng thịt heo lại chọn cách đi siêu thị để chọn mua. Giá thịt heo tại các siêu thị không chênh lệch nhiều so với các chợ. “Những ngày qua, thông tin về dịch tả heo châu Phi khiến gia đình tôi khá lo lắng, nhưng khi biết nguồn thịt tại Đà Nẵng vẫn an toàn, cả nhà vẫn ăn bình thường. Vì vậy, tôi chọn mua thịt tại siêu thị để an tâm hơn”, bà Trương Thị Ý Nhi (trú đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) chia sẻ.

Hiện nay, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Tại trang trại chăn nuôi heo của Doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), để phòng dịch heo châu Phi xâm nhiễm, trang trại đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi khép kín. Thức ăn được trang trại tự cung tự cấp ở chính bên trong, những nhân viên kỹ thuật thì “bất xuất”, ngay cả giám đốc cũng “bất nhập”.

Thuốc khử trùng benkocid do Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cấp phát được tăng cường sử dụng để chống dịch xâm nhiễm. Mọi liên lạc, thông tin từ bên trong trang trại và bên ngoài chỉ thực hiện qua mạng internet hoặc điện thoại di động…

“Do giá heo hơi cũng sụt giảm nên trang trại chúng tôi còn hơn 600 con heo thịt. Chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi và chống xâm nhiễm dịch tả heo châu Phi. Trước mắt, dịch tả heo còn ở khoảng cách xa, Đà Nẵng chưa có dịch và thịt heo ở Đà Nẵng vẫn an toàn, lại đang được kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, vì thế, người tiêu dùng nên an tâm sử dụng thịt heo để giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi ”, ông Ông Văn Thông, Giám đốc  Doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ nói.

Còn ông Phạm Đắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh cho hay, hiện công ty chỉ còn cung cấp 7-8 tấn/ngày, tuy nhiên, công ty mua heo sạch, heo an toàn kiểm dịch nên thịt heo bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Công ty có giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc và kiểm dịch cho từng lô hàng nên thịt heo cung cấp đến khách hàng là yên tâm.

Hiện nguồn gốc và chất lượng thịt heo trên địa bàn thành phố được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Hiện nguồn gốc và chất lượng thịt heo trên địa bàn thành phố được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Để chủ động ngăn chặn và chống xâm nhiễm dịch tả heo châu Phi vào thành phố nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng, ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho hay, đơn vị vừa có công văn gửi UBND 11 xã đề nghị tiếp tục tổ chức tiêu độc, khử trùng, chống dịch bệnh ở đàn vật nuôi trên địa bàn các xã; chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nuôi; quản lý chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ gia súc trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đặc biệt, chú trọng tuyên truyền đến người tiêu dùng là bệnh dịch tả heo châu Phi không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không để người dân hoang mang ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm thịt heo, bảo đảm thị trường hoạt động bình thường…

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Hội Nông dân có những thông tin, tuyên truyền đến các hội viên nông dân về phòng chống dịch tả heo châu Phi, các hộ chăn nuôi heo tăng cường phòng chống dịch bệnh để bảo đảm kinh tế cho hộ gia đình. Các hộ nông dân phát hiện tình trạng buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo sống và thịt heo không đúng quy định thì báo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện chưa có vắc-xin phòng chống tả heo châu Phi nên cần nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi để chống chọi với dịch bệnh.

Hiện các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố vẫn đang siết chặt quản lý, kiểm dịch và ngăn chặn dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào Đà Nẵng. Thịt heo cung cấp cho Đà Nẵng đến từ các khu vực an toàn kiểm dịch và lại được kiểm dịch chặt chẽ nên bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Hơn nữa, bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ gây hại cho ngành chăn nuôi, chứ không gây hại cho sức khỏe con người nên người tiêu dùng cứ an tâm sử dụng”.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng
Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố

HOÀNG HIỆP – VĂN HOÀNG – KIM THÔI

 

;
;
.
.
.
.
.