Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Tín hiệu mừng

.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay.

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15 - 17% có ý nghĩa tích cực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15 - 17% có ý nghĩa tích cực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp (DN) có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

Ngoài ra, để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà DN trong quan hệ liên kết không phải là DN nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Chất lượng cao Sky-line cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng và cần thiết khi việc giảm thuế sẽ giúp “khoan sức” DN nhỏ và vừa, vốn là lực lượng phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay, mặc dù việc phân cấp và đóng góp vào ngân sách Nhà nước của từng địa phương có sự khác nhau, nhưng quy định về thuế vẫn giống nhau, điều này gây khó khăn cho các địa phương trong việc tạo lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư, thu hút đầu tư cũng như khuyến khích phát triển DN.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và Thiết bị phụ tùng (SEATECH) Đà Nẵng khẳng định, việc giảm thuế TNDN xuống từ 15 - 17% ở thời điểm này rất quan trọng và có ý nghĩa lớn, nhất là khi Chính phủ, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cộng đồng DN phát triển.

Bên cạnh đó, nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), một làn sóng đầu tư lớn đổ vào Việt Nam; ngược lại, DN trong nước cũng rộng cửa để vươn xa.

Trong xu thế chung đó, DN phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ trên sân nhà cũng như khi ra nước ngoài đầu tư. Việc giảm thuế sẽ giúp DN có được nguồn tích lũy đáng kể để lớn hơn, mạnh hơn.

Bên cạnh đó, khi nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh, cộng đồng DN chủ yếu vừa, nhỏ và siêu nhỏ thì việc giảm thuế TNDN không chỉ “khoan sức” cho DN mà còn đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp; khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình lên DN để có được những lợi thế trong kinh doanh. Tất cả những điều này hướng đến mục tiêu tăng số lượng DN, đem lại nguồn lợi cho quốc gia.

Là một DN vừa bước qua giai đoạn 5 năm khởi nghiệp, ông Mai Văn Khoa, Giám đốc Công ty CP Cửa đẹp Adoor Việt Nam nhìn nhận, việc giảm thuế TNDN sẽ có tác dụng tích cực đến những DN nhỏ. Quan trọng nhất là giúp DN có được nguồn vốn để tái đầu tư khi việc vay vốn ở ngân hàng còn nhiều rào cản. Giảm thuế cũng tạo ra tâm lý tích cực và niềm tin của DN vào sự hỗ trợ về mặt cơ chế của Nhà nước.

Liên quan đến việc lo ngại giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách của Nhà nước, địa phương, nhiều DN cho rằng điều này không đáng lo ngại, ngược lại, về lâu dài sẽ tạo hiệu ứng cũng như nguồn lợi tích cực cho quốc gia, địa phương.

“Do nền pháp lý của chúng ta còn nhiều hạn chế và thiếu minh bạch nên mới dẫn tới hành vi trốn thuế, nhưng khi giảm thuế thì tạo sự tin tưởng, phấn khởi cho DN. Bên cạnh đó, việc giảm thuế TNDN chỉ cần trong một thời gian nhất định, khi lực lượng DN đã hùng mạnh, phát triển tốt thì có thể tính đến việc tăng thuế TNDN lên cao hơn để đem lại nguồn lợi cho Nhà nước”, ông Lê Văn Hiểu nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Nam Phương nhìn nhận, việc giảm thuế sẽ tạo tâm lý phấn khởi và DN cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi thực hiện nghĩa vụ thuế; đồng thời khuyến khích DN làm ăn hiệu quả hơn thì tổng doanh thu chịu thuế tăng lên thì việc nộp thuế sẽ cao hơn.

Về phía cơ quan thuế, ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng khẳng định, dự thảo giảm thuế TNDN của Bộ Tài chính xuống còn 15 - 17% sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi lợi nhuận sau thuế của DN sẽ tăng lên từ đó tăng cơ hội tái đầu tư, khuyến khích đầu tư mới…

Theo lý thuyết, việc giảm thuế TNDN sẽ làm giảm số thuế phải nộp nếu cùng một doanh thu, chi phí nhưng thực tế, việc giảm thuế sẽ khuyến khích DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả doanh thu và từ đó sẽ góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Thuế TNDN là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của  DN. Đối tượng nộp thuế TNDN là tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập  đều phải nộp thuế TNDN.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.