Ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bán lẻ

.

Người kinh doanh, doanh nghiệp (DN) bán lẻ đang có nhiều thuận lợi khi thương mại điện tử phát triển, giúp đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Xu hướng công nghệ số cũng giúp DN nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí trong vận hành, bán hàng.

Ứng dụng công nghệ vào bán lẻ mang lại nhiều tiện ích cho cả người mua lẫn người bán.
Ứng dụng công nghệ vào bán lẻ mang lại nhiều tiện ích cho cả người mua lẫn người bán.

Hiện nay, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam như: Big C, Saigon Co.op, Mega Market, Lotte Mart, Vinmart… hiện đã phát triển mạnh kênh bán lẻ trực tuyến và hệ thống này đang được đầu tư bài bản.

Đơn cử, Saigon Co.op có kênh bán hàng HTV Co.op vận hành song song với kênh online trên website; hay Vinmart  và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup cũng gia nhập “cuộc chơi” này với ứng dụng Vinmart Scan & Go, cho phép khách hàng trải nghiệm tính năng “check out free” (tạm dịch: “cứ thế mà đi” - lấy các sản phẩm muốn mua vào giỏ hàng, tự quét mã vạch trên tem giá sản phẩm qua ứng dụng vinID để tạo đơn hàng trên ứng dụng).

Với đơn hàng này trong tay, khách hàng có thể thanh toán nhanh tại quầy ưu tiên, giúp tiết kiệm thời gian so với việc xếp hàng chờ đợi. Hay như Thế Giới Di Động đã áp dụng bảng giá bán lẻ điện tử, thay vì in bảng giá bằng giấy.

Tại Đà Nẵng, Công ty CP Gạch men Cosevco đã ứng dụng phần mềm trong quản lý kinh doanh. Hiện nay, các hoạt động của doanh nghiệp như: nộp thuế, trả lương cho nhân viên, giới thiệu sản phẩm mới, giao dịch khách hàng…, công ty đều sử dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc.

Ông Hoàng Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch men Cosevco bày tỏ, công nghệ là phương tiện đắc lực giúp doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường… Với định hướng đó, từ khâu tuyển nhân viên, công ty cũng ưu tiên những ứng viên biết sử dụng máy tính thành thạo.

Chị Đỗ Lê Kim Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Môi trường Vành Đai Xanh cho hay, là một doanh nghiệp về sản xuất mỹ phẩm thì việc ứng dụng công nghệ vô cùng quan trọng. Khách hàng chỉ sử dụng sản phẩm của những nhà cung cấp mà họ biết đến và tin tưởng. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã sử dụng thương mại điện tử (TMĐT) như một kênh phân phối quan trọng để giới thiệu đến khách hàng về thông tin sản phẩm.

Không chỉ các doanh nghiêp, siêu thị ứng dụng công nghệ trong quản lý, kinh doanh mà các cửa hàng ăn uống, thời trang, đại lý bán lẻ cũng sử dụng tiện ích của công nghệ vào hoạt động mua bán. Theo chị Nguyễn Thị Phương Dung, chủ cửa hàng quần áo May94 Clothing (đường Nguyễn Hoàng, quận Hải Châu), với thời đại công nghệ hiện nay, những người buôn bán nhỏ lẻ càng phải theo kịp xu thế, bởi mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Thay vì chỉ bày bán sản phẩm tại cửa hàng thì người chủ còn phải quay clip, quảng cáo sản phẩm lên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây chị Dung thỉnh thoảng nhầm lẫn trong việc tính toán bởi tính thủ công hay không kiểm soát được hàng tồn, thì hiện nay có rất nhiều phần mềm quản lý bán hàng giúp dễ dàng điều phối công việc kinh doanh ngay cả khi không có mặt ở cửa hàng, chỉ cần quản lý từ xa bằng thiết bị di động có kết nối Internet.

Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết các doanh nghiệp, các tổ chức với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững. Cụ thể, các sàn TMĐT liên kết với các nhà bán lẻ và công ty chuyển phát. Khi người tiêu dùng mua sản phẩm qua TMĐT, thì các nhà bán lẻ chỉ cần chuẩn bị sản phẩm, việc giao hàng và liên hệ khách đã có sàn TMĐT và công ty vận chuyển chịu trách nhiệm.

Theo ThS. Trương Thị Vân Anh, giảng viên Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, lợi thế của các nhà bán lẻ là sở hữu mạng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt, nếu kết hợp với công nghệ hiện đại sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước. Ngoài ra, các nhà bán lẻ cần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; tối ưu hóa trải nghiệm của người tiêu dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng truy cập các dữ liệu đa dạng của doanh nghiệp để có thể nắm bắt các sản phẩm, dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.

Trong khi đó, ThS. Hồ Nguyên Khoa, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Duy Tân đánh giá, thị trường bán lẻ thay đổi rất nhanh, do đó, nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng trên mạng. Đây là xu hướng chung giúp nhanh chóng tiếp thị đến khách hàng những cái họ muốn, làm trải nghiệm dễ dàng và thuận tiện hơn. Song song đó, các nhà bán lẻ cần có kế hoạch cụ thể, giai đoạn nào thì sẽ ứng dụng công nghệ gì. Mỗi khi ứng dụng công nghệ mới cần bảo đảm ứng dụng đó tuân theo đúng lộ trình đặt ra.

Trong bối cảnh của ngành bán lẻ hiện nay, để tăng sức cạnh tranh, các cửa hàng phải có tính hấp dẫn, khiến khách hàng hài lòng khi tới. Doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ số, thiết kế cửa hàng nêu bật được sản phẩm, thương hiệu và có thể kết hợp với những hoạt động mang lại trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.