Chỉ có đam mê mới nuôi được đam mê

.

Đó là “triết lý” mà Bùi Minh Trung, chủ cửa hàng Bún đậu Nhà Cuội (đường Lý Tự Trọng, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) theo đuổi khi quyết định chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực đầy những thách thức, khó khăn.

Với niềm đam mê dành cho ẩm thực, Bùi Minh Trung có thể đứng bếp nấu ăn cả ngày. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Với niềm đam mê dành cho ẩm thực, Bùi Minh Trung có thể đứng bếp nấu ăn cả ngày. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bùi Minh Trung hay còn được gọi là Trung Bùi, đang được nhiều người yêu thích ở vai trò là một food blogger (những người viết blog về ẩm thực) vốn tốt nghiệp Khoa Thẩm định giá của Trường Đại học Tài chính Marketing (thành phố Hồ Chí Minh), nhưng lại có một niềm đam mê dành cho ẩm thực. Những ngày mới ra trường, ban ngày anh đi làm nhân viên của một công ty bất động sản, tối về lại chăm chỉ đi học nấu ăn. Mặc dù công việc liên quan đến bất động sản rất thuận lợi, nhưng vì quá yêu thích nghề bếp nên sau khi có được bằng Bếp trưởng điều hành, Trung bắt đầu đi làm tại các nhà hàng, khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa)…

Khi quyết định gắn bó với nghề ẩm thực và muốn khởi nghiệp với nghề này, Trung đã dành thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ một số thị trường như thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng… Anh nhận thấy, Đà Nẵng là một thành phố trẻ, còn mới mẻ, là thị trường có nhiều tiềm năng nên từ cuối năm 2014 anh đã quyết định rời Nha Trang để chuyển đến sinh sống tại Đà Nẵng.

Khi quyết định khởi nghiệp với món bún đậu theo đúng chuẩn của người Hà Nội, Trung rất tự tin với khả năng đứng bếp của mình bởi anh đã có bằng Bếp trưởng điều hành, lại kinh qua nhiều vị trí khi đi làm tại các nhà hàng, khách sạn. Thế nhưng, anh cũng phải mất hơn 1 năm để định hình thị trường khách. Trung lý giải, ở thời điểm đó, món bún đậu mắm tôm không còn độ “hot” tại Đà Nẵng; thị trường ẩm thực tại đây cũng khá “tĩnh”, việc làm lại thị trường không hề dễ dàng.

Trong khi đó món ăn lại được Trung làm theo đúng quy chuẩn, khẩu vị của Hà Nội nên chưa phù hợp với thị hiếu của người miền Trung. Theo đó, anh đã phải có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với khách hàng, ví dụ như Trung tự tin đặt bếp nấu ngoài trời, thực khách có thể thấy được quy trình chế biến sạch sẽ; món ăn được bày biện theo đúng quy chuẩn mà Trung đưa ra; đồ chấm do anh pha chế được tính toán cho phù hợp với khẩu vị của khách… Nhờ nắm bắt được thị hiếu của khách nên hoạt động kinh doanh của Trung khá ổn định khách và được đánh giá cao.

Niềm đam mê dành cho ẩm thực của Trung không chỉ dừng ở hoạt động kinh doanh ẩm thực. Ngoài việc đứng bếp nấu ăn, anh còn có khả năng viết, thích chụp ảnh và hiểu về maketing... nên 2 năm gần đây anh Trung còn làm food blogger, chuyên viết các bài đánh giá về đồ ăn, thức uống trên các trang cá nhân riêng. Trung chia sẻ, vốn là dân bếp nên sau khi thưởng thức món ăn anh hiểu và thấy được chỗ nào ngon, chỗ nào chưa ngon để có thể chỉ ra, đánh giá tường tận món ăn để thực khách có thể tham khảo.

“Làm nghề này cũng như làm dâu trăm họ, rất nhiều người theo dõi những bài viết, đánh giá món ăn của mình để lựa chọn món ăn đó, quán đó để đi thưởng thức. Vì vậy, phải đánh giá món ăn một cách công tâm, khách quan để bạn đọc thấy được những điểm được và chưa được của món ăn. Không nên vì những cái lợi trước mắt mà viết không đúng sự thật sẽ khiến bạn đọc thất vọng”, Trung cho biết.  

Sau 2 năm anh Trung đã viết bài đánh giá khoảng 500 món ăn, đồ uống của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. Ngoài viết bài đánh giá với tư cách cá nhân, anh còn cộng tác với một số đơn vị để giới thiệu, quảng bá các món ăn địa phương. Như tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019 vừa qua, trong clip ngắn giới thiệu về các món ăn đường phố, Trung đã lên kịch bản, giới thiệu các món ăn vặt tại chợ Cồn như: mít trộn, ốc hút, phá lấu, bánh bèo ram, ít…

Theo anh Trung, công việc nào cũng có những khó khăn nhất định. Việc mở cửa hàng ăn uống không khó bằng cách làm sao để đưa khách đến và giữ chân được thực khách. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó yếu tố chất lượng món ăn rất quan trọng. Ngay bản thân anh luôn chú trọng đến điều này. Thậm chí cũng có những lúc nản chí vì quá khó khăn nhưng vì đam mê và yêu thích nên tiếp tục làm. Anh cho rằng, chỉ có đam mê mới nuôi được đam mê, do đó anh vẫn duy trì thói quen vào bếp nấu ăn, hoạt động kinh doanh và đánh giá các món ăn.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.