Làm gì để kinh tế tăng trưởng trên hai con số? - Bài cuối: Khơi thông các điểm "nghẽn" trong liên kết vùng

.

Nghị quyết 43-NQ/TW có điểm mới đáng lưu ý, nâng tầm vai trò, vị trí hạt nhân của Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung cũng như vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đó là phát triển Đà Nẵng trở thành “vùng đô thị Đà Nẵng”. Chính vì vậy, tăng cường liên kết, tháo gỡ các nút thắt trong liên kết vùng là bài toán tất yếu để Đà Nẵng hoàn thành trọng trách mà Nghị quyết 43-NQ/TW đặt ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 12%/ năm trong giai đoạn 2020-2030.

Tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy phát triển là xu thế tất yếu. trong ảnh: Các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày của các doanh nghiệp tại Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ khu vực miền Trung do Đà Nẵng lần đầu tiên đăng cai vào tháng 7 vừa qua.
Tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy phát triển là xu thế tất yếu. trong ảnh: Các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày của các doanh nghiệp tại Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ khu vực miền Trung do Đà Nẵng lần đầu tiên đăng cai vào tháng 7 vừa qua.

Từ thực tiễn cho thấy, bản thân sự phát triển nhanh của Đà Nẵng đã nảy sinh và tích tụ một số bất cập và đang bộc lộ “điểm nghẽn”, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt phát triển, động lực tăng trưởng của thành phố. Trong khi những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đang giảm dần dư địa để phát huy, thì các chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, đầu tư, phân cấp quản lý… nhìn chung chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực và sức bật cần thiết để Đà Nẵng tăng tốc phát triển nhanh, bền vững.

Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát huy vai trò Đà Nẵng là một cực phát triển kinh tế của miền Trung Đơn cử, để xây dựng Đà Nẵng là đô thị động lực, trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trung ương đã có các văn bản chỉ đạo việc xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn thành phố như: Cảng Liên Chiểu; Làng Đại học Đà Nẵng;  Bệnh viện Phụ sản - Nhi (giai đoạn 2); di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố; nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò; nâng cấp và mở rộng cảng cá Thọ Quang, mở rộng tuyến quốc lộ 14B, 14G và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 (EWEC2); xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm…Nhưng đến nay, các công trình, dự án này vẫn chậm triển khai.

Theo TS Trần Sĩ Chương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư HDI, với Nghị quyết 43-NQ/TW, Đà Nẵng một lần nữa được giao trọng trách là người dẫn đầu, đô thị hạt nhân của cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu cho giai đoạn phát triển tiếp theo, phù hợp với xu thế phát triển trên toàn cầu. Nó sẽ mang lại nhiều hơn những nguồn lợi cho các địa phương trong vùng cũng như đẩy mạnh vai trò trung tâm kinh tế, khắc phục hai bất lợi quan trọng về phát triển kinh tế của Đà Nẵng gồm: nguồn cung lao động và đất đai thấp; quy mô thị trường nội địa nhỏ dẫn đến không gian phát triển về chiều rộng có giới hạn.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nét mới nhất trong Nghị quyết 43-NQ/TW là hướng đến xây dựng vùng đô thị Đà Nẵng đạt đẳng cấp toàn cầu, trong đó lấy Đà Nẵng là trung tâm; nên việc liên kết để phát triển nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 43-NQ/TW đặt ra là điều tất yếu. Để tăng cường phát triển vùng, trong Dự án điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng cần chủ động đưa ra phương án chi tiết, lâu dài về chiến lược phát triển với các tỉnh trong khu vực miền Trung. Đơn cử, đối với tuyến hành lang Kinh tế Đông Tây, Đà Nẵng là tuyến cuối cùng, một mắt xích quan trọng kết nối giao thương với các quốc gia như Thái Lan, Lào… Vậy cần đánh giá được cụ thể tiềm năng của nó đối với Đà Nẵng là gì, cần làm gì để khơi thông tiềm năng đó; có tính toán kỹ để  xây dựng cảng  Liên Chiểu với quy mô bao nhiêu là hợp lý nhằm hướng đến trung tâm logistics của cả khu vực…

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Mai Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại khu vực miền Trung đề cập, việc đẩy mạnh liên kết vùng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Đà Nẵng cùng các địa phương lân cận. Chẳng hạn, cần quan tâm khơi thông tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2 nhằm tạo điều kiện để Đà Nẵng và Quảng Nam tăng cường thêm mối liên kết với các địa phương của Lào, Thái Lan, Myanmar trên tuyến hành lang này; đồng thời có được nguồn hậu phương hàng hóa lớn cho các cảng biển, tăng thu hút đầu tư, du lịch bằng đường bộ. “Nếu khơi thông được tuyến hành lang này, đoạn đường di chuyển từ vùng Nam Lào về các cảng của Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ rút ngắn xuống còn ½ chiều dài. Đây sẽ là hậu phương hàng hóa dồi dào, với các loại nông sản, khoáng sản từ vùng cao nguyên Boloven rộng lớn (Lào)”, ông Quang đề xuất.

Phát triển vị thế đô thị hạt nhân

Trong 8 giải pháp chiến lược để Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới trên tiền đề của Nghị quyết 43-NQ/TW được TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu lên tại Hội thảo điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2045 diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, có nội dung phát triển vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng - đô thị hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặt lên hàng đầu. Điều này cho thấy được vị thế quan trọng của Đà Nẵng cũng như khẳng định phát triển vùng là xu hướng mà Đà Nẵng phải chủ động có tầm nhìn chiến lược nhằm tận dụng được sức mạnh của liên kết vùng. Điều này góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển, rút ngắn khoảng cách với các Vùng kinh tế trọng điểm ở hai đầu đất nước.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng khẳng định, để nhanh chóng trở thành đô thị toàn cầu, Đà Nẵng cần phát triển vị thế đô thị hạt nhân của mình trong quá trình phát huy ưu thế vùng, trong mối tương quan hội nhập lẫn cạnh tranh với các vùng đô thị quốc gia và quốc tế, như vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, vùng thủ đô Hà Nội, vùng đô thị Thượng Hải, vùng đô thị Bangkok, vùng đô thị Manila…

Cùng quan điểm, KTS Huỳnh Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng được xác định đóng vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên cần ưu tiên điều kiện cho địa phương phát triển, trong đó có khai thông các điểm nghẽn về cơ chế liên kết, các dự án trọng điểm thúc đẩy liên kết vùng.

Để tăng cường hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế, trong tóm tắt Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND thành phố có đề xuất cần tăng cường liên kết, hợp tác phát triển 4 lĩnh vực chủ yếu: phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng giao thông kết nối; đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và bảo vệ môi trường chung.

Trong đó, nhiều nội dung cụ thể được đề xuất Trung ương như xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; sân bay Đà Nẵng cần được xác định vai trò trong mối quan hệ với cảng hàng không Chu Lai từ giai đoạn sau năm 2030; xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai; xây dựng đường ven biển chiến lược từ Thừa Thiên Huế đến Quy Nhơn tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế biển và phục vụ cho mục tiêu an ninh - quốc phòng. 

Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ để sớm hoàn thành các dự án đường bộ kết nối khu vực như: các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Trị; đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 14B; tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây 2 (quốc lộ 14D) đoạn qua Đà Nẵng; sớm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng loại IA theo quy hoạch hệ thống cảng quốc gia để trở thành của ngõ quốc tế của vùng miền Trung - Tây Nguyên; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng- Quy Nhơn); đường và cầu qua sông Cổ Cò; tuyến đường quy hoạch dọc theo tuyến đường sắt mới; mở tuyến Đà Nẵng- Hội An theo tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Cổ Cò phục vụ du lịch; tuyến Liên Chiểu- Cù Lao Chàm vừa phục vụ vận tải hàng hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch…

Mới đây, UBND thành phố đã hoàn thiện và trình Trung ương các nội dung Nghị quyết “Về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng”; trong đó nêu 6 nhóm vấn đề  trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính - ngân sách, tiền lương… nhằm khơi thông các nguồn lực để Đà Nẵng tăng tốc trong giai đoạn mới với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12%/năm. Theo đó, một số cơ chế đặc thù cụ thể được đề xuất như: HĐND thành phố được quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được chủ động huy động vốn đầu tư; cho phép điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố 68%, ngân sách Trung ương 32% trong năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức…; HĐND thành phố được quyết định việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, người lao động (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) làm việc tại Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân...
 

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA – HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.